Yếu tố con người trong CCHC ở TP.Hồ Chí Minh

Xác định con người là yếu tố quyết định khi đặt ra mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu quả, thiết nghĩ, cần có các cơ chế vừa phát huy trách nhiệm, vừa ràng buộc nghĩa vụ trong thực thi công vụ.

Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Khâu đột phá của tăng trưởng

Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định, cải cách hành chính (CCHC) là một trong bảy chương trình đột phá của Thành phố. Thành phố chủ trương tạo sự gắn kết trong tất cả các lĩnh vực thông qua các chương trình và giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi đến các cơ quan hành chính thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh... 

Sau gần 2 nhiệm kỳ thực hiện, có thể nói, chủ trương này đã có tác động lớn đến sự phát triển chung của Thành phố trên tất cả các lĩnh vực. CCHC không chỉ góp phần kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội; phát huy dân chủ, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn TP. Chính vì vậy, CCHC đã trở thành nhân tố mang tính đột phá của tăng trưởng, là cơ sở để đánh giá hiệu quả và hiệu lực điều hành quản lý của cả hệ thống chính quyền.

Người dân đánh giá sự hài lòng về thủ tục hành chính tại UBND quận 12 (Ảnh: Việt Dũng)

Để đạt được những mục tiêu trên, trong những năm qua, cả hệ thống chính quyền các cấp đã đẩy mạnh thực hiện 5 giải pháp cơ bản và cũng là 5 nhiệm vụ chủ yếu của tiến trình CCHC. Đó là CCHC về thể chế; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; về tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có ý nghĩa quan trọng đến tiến trình CCHC nói chung.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, TP.Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong trong công tác CCHC, với việc xác định đây là một trong 7 chương trình đột phá nhiệm kỳ 2015-2020 nhằm tập trung triển khai quyết liệt, toàn diện, hiệu quả.

Thành phố đã tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các sáng kiến để tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý, tháo gỡ các khó khăn, rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn với nhiều giải pháp như nâng cao giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, đo lường và đánh giá sự hài lòng của người dân, triển khai thực hiện Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, chính quyền điện tử, thành phố “văn minh, nghĩa tình”…

Hệ thống kios tra cứu thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND Quận 2

Với các nỗ lực đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong những năm gần đây tại TP.Hồ Chí Minh đạt bình quân trên 15% mỗi năm.

Con người là yếu tố trung tâm

Nhìn lại công tác CCHC thời gian qua, lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh thẳng thắn nhìn nhận, việc công khai TTHC có nơi còn hình thức, chưa có giải pháp hiệu quả, tinh giản biên chế còn bất cập, còn một phận cán bộ còn quan liêu, nhũng nhiễu, việc tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân của một số sở ngành còn nặng về hình thức… 

Một số cơ quan, đơn vị chất lượng và hiệu quả CCHC còn thấp, người đứng đầu một vài đơn vị chưa quyết liệt, chậm triển khai, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác CCHC. Kỷ luật và kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ chưa cao, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, giải quyết thủ tục chậm trễ, nhất là trong lĩnh vực đất đai, lý lịch tư pháp. Công tác thanh kiểm tra công vụ và xử lý cán bộ vi phạm chưa thường xuyên và hiệu quả thấp, xử lý phản ánh của công dân chưa triệt để dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin ở một số cơ quan chưa đồng bộ, thiếu kết nối, chưa tích hợp, chưa gắn kết với CCHC, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đơn vị chưa tốt…

Giám sát cải cách hành chính góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân

Rõ ràng, yếu tố con người vẫn là quyết định khi đặt ra mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Chính vì vậy, để khắc phục những hạn chế trên đây,  tiếp tục thực hiện CCHC đạt hiệu quả, thiết nghĩ, các cấp chính quyền ở Thành phố cần tập trung vào 2 giải pháp đã được Thành phố cụ thể hóa bằng chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chương trình CCHC gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị. Thành phố cần tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực hiện công vụ; xây dựng đề án cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính và tổ chức thí điểm cách tuyển chọn cán bộ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.

Giải quyết hồ sở thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1

Tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 54 Quốc hội khóa XIII, xem đây như là động lực vật chất để cán bộ công chức hết lòng vì công việc, như một giải pháp cụ thể thúc đẩy CCHC. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng một cơ chế tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước nhằm nâng cao chất lượng cải cách về tổ chức, bộ máy. Bởi, sự trì trệ trong bộ máy, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức có thể được cho là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thiệt hại về vật chất, tinh thần và thậm chí là tính mạng, sức khỏe của người dân do những chi phí không cần thiết và những thủ tục hành chính rườm rà đặt ra. 

Nếu người đứng đầu cơ quan hành chính có trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh với những trì trệ, yếu kém trong bộ máy và mạnh dạn áp dụng những mô hình và phương thức cải tiến mới trong quản lý, điều hành thì công tác cải cách hành chính có tác động đến tất cả các lĩnh vực, làm cho cả hệ thống được vận hành thông suốt. Ở cơ quan hành chính nào mà có “vấn đề”, thiết nghĩ, trước tiên phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu để cho bộ máy tiếp tục trì trệ, tình trạng nhũng nhiễu người dân không được ngăn chặn, nếu không bị xem xét xử lý, người đứng đầu nên từ chức.

Văn Nguyễn