Triều Tiên bắt ba quan chức liên quan đến sự cố hạ thủy tàu chiến

NGỌC THỦY - HÀ THẢO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 25/5/2025, 10:58

(HTV) - Sáng 25/5, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này đã bắt giữ ba quan chức cấp cao chịu trách nhiệm trực tiếp trong sự cố hạ thủy một tàu chiến cỡ lớn tại nhà máy đóng tàu Chongjin, Đông Bắc Triều Tiên.

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ba người bị bắt gồm: Kang Jong-chol – kỹ sư trưởng tại nhà máy, Han Kyong-hak – trưởng phân xưởng đóng thân tàu, và Kim Yong-hak – phó giám đốc phụ trách hành chính. Những cá nhân này được cho là đã có “chỉ huy bất cẩn và thiếu kinh nghiệm vận hành”, dẫn đến một sự cố nghiêm trọng trong quá trình hạ thủy con tàu hôm 21/5.

Tàu chiến Triều Tiên ở nhà máy Chongjin trước khi xảy ra sự cố (Hình Reuters)

Chiếc tàu gặp sự cố là tàu chiến có lượng giãn nước khoảng 5.000 tấn – được xem là một trong những mẫu chiến hạm hiện đại thuộc lớp khu trục hạm Choe Hyon. Trong quá trình hạ thủy tại nhà máy Chongjin, phần đáy tàu bị nghiền nát khi tiếp xúc với mặt nước, gây tổn thất vật chất và gián đoạn hoạt động kỹ thuật.

Trước đó hai ngày, KCNA cũng đưa tin giám đốc nhà máy – ông Hong Kil-ho – đã bị triệu tập để phục vụ điều tra. Cuộc điều tra nội bộ được tiến hành ngay sau sự cố. Báo cáo sơ bộ cho biết, thân tàu không có lỗ thủng nhưng bị trầy xước nặng ở mạn phải, trong khi nước biển đã tràn vào khu vực đuôi tàu.

Giới chuyên gia quốc tế nhận định nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc Triều Tiên chưa đủ năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc hạ thủy các tàu chiến cỡ lớn, đặc biệt khi áp dụng phương pháp hạ thủy ngang – một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi tính toán chính xác và điều kiện hạ tầng phù hợp.

Những tấm bạt xanh phủ trên tàu chiến Triều Tiên, sau sự cố hạ thủy tại nhà máy đóng tàu ở Chongjin (Hình: Reuters)

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), xưởng Chongjin chủ yếu sản xuất tàu dân dụng như tàu cá hoặc tàu chở hàng, “gần như không có kinh nghiệm” với việc hạ thủy tàu quân sự lớn. Phó giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi từ Đại học Quốc tế Tokyo cho rằng, lựa chọn hạ thủy ngang thay vì dùng ụ nổi hoặc đà trượt theo phương dọc – như chiếc khu trục đầu tiên hạ thủy tại Nampo – là một quyết định tiềm ẩn nhiều rủi ro kỹ thuật.

Sau sự cố, chiếc tàu đã được phủ bạt xanh để che giấu hư hỏng, trong khi các hoạt động tại nhà máy Chongjin tạm thời bị hạn chế.

Hiện phía Triều Tiên chưa công bố mức độ thiệt hại cụ thể cũng như khả năng phục hồi con tàu. Giới quan sát cho rằng vụ việc có thể làm chậm chương trình hiện đại hóa hải quân của Bình Nhưỡng trong bối cảnh nước này đang nỗ lực phô diễn sức mạnh quân sự với các dòng tàu chiến thế hệ mới.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: