NSUT Huỳnh Khải: Cải lương đang rất cần khoác lên một chiếc áo mới!

Kim Quyên 3/1/2022, 09:28

Mang trong mình một tình yêu lớn với nghệ thuật đờn ca tài tử, nhạc sĩ Huỳnh Khải luôn mong mỏi có thể đưa tiếng đờn quê hương đến khắp mọi nơi, để nghệ thuật truyền thống của cha ông mãi vẹn nguyên theo năm tháng.

Sinh ra trong cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Huỳnh Khải đã sớm được tiếp cận với những thanh âm của giai điệu quê hương từ người cha là một nghệ nhân đàn kìm có tiếng trong vùng. Mỗi lần đi biểu diễn, cậu bé Huỳnh Khải đều được ba dắt theo để nghe “lõm”. Thấy con mình say mê âm nhạc, người cha đã truyền dạy "ngón đờn" của mình cho con. Khi lớn lên, nhạc sĩ Huỳnh Khải tiếp tục tự học thêm qua băng, đĩa. 

Ở nhà học cha, ra ngoài học bạn. Những người bạn của ông lúc bấy giờ như nghệ nhân Tấn Khoa, Văn Hào, Năm Sở... cứ đến giờ giải lao là lại cùng ông ngồi lại đờn ca, bổ sung "ngón nghề" cho nhau. Với ông đó là những năm tháng không bao giờ quên và có sự ảnh hưởng rất lớn đến con đường nghệ thuật của ông sau này.

Năm 1980, sau một thời gian đảm nhận công việc Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ xã Mỹ An Phú (xã Mỹ An, Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa bây giờ), ông có dịp được lên TP.HCM và cũng từ đây, cuộc đời nhạc sĩ Huỳnh Khải mở sang một trang mới. Ông theo học tại Trường Quốc gia Âm nhạc, nay là Nhạc viện TP.HCM, rồi cộng tác với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM... để thực hiện những chương trình đờn ca tài tử. Song song với đó, ông tiếp tục tìm tòi, học hỏi thêm cách chơi các loại nhạc cụ khác như guitar phím lõm, đờn cò, đàn violin... để làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc của mình. 


Với nghệ thuật cải lương, NSƯT Huỳnh Khải luôn nhớ mãi lời dặn của những thế hệ đi trước: "Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh", thế nên ông luôn đau đáu, trăn trở góp phần để môn nghệ thuật này có thể tiếp cận được với nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi. Với ông, cải lương đang rất cần những vở được viết mới, hay, phù hợp với cuộc sống, với giới trẻ hiện nay. 


Việc đổi mới cải lương không phải là điều dễ dàng mà theo nghệ sĩ Huỳnh Khải, điều đó cần sự chung tay của nhiều người để làm sao cải lương có thể khoác lên mình một chiếc áo mới, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được cái hồn dân tộc của cha ông bao đời truyền lại.


Hiện nay, trên cương vị Trưởng khoa Âm nhạc của Nhạc viện TP.HCM, ông cùng các đồng nghiệp xây dựng chương trình đào tạo hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền. Ngoài thời gian giảng dạy trên giảng đường, NSƯT Huỳnh Khải còn đam mê sáng tác âm nhạc. Ông là tác giả của nhiều sáng tác cải lương, tài tử như: Ngược dòng, Ân tình non nước, Hòa tấu nhạc tài tử... làm say đắm lòng người và góp phần đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với công chúng.

Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Ý kiến của bạn: