Tạo đột phá cho doanh nghiệp tư nhân phát triển

HOÀNG HƯƠNG - NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 15/5/2025, 19:29

(HTV) - Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết để tạo sự đột phá cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Trong chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ 3 nội dung, cho ý kiến về: Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết để tạo sự đột phá cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đại biểu cho rằng ban soạn thảo cần nghiên cứu thật kỹ các quy định chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân trên tinh thần tháo gỡ những vướng mắc doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải liên quan đến thể chế và tạo môi trường minh bạch để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội nghĩ lớn, làm lớn. Đại biểu nhấn mạnh không nên nóng vội trong việc ban hành nghị quyết dẫn đến các quy định trong dự thảo Nghị quyết còn chung chung, chưa thấy được sự đột phá, đặc biệt cho doanh nghiệp tư nhân. 

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan tham mưu dự thảo Quốc hội trao đổi với Chính phủ để đảm bảo ban hành một Nghị quyết có tầm vóc, không nóng vội nhưng giải quyết triệt để các vấn đề cho doanh nghiệp tư nhân. Bước đầu tiên và quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tháo gỡ mọi vướng mắc và rào cản để doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định: Đối với các lĩnh vực đầu tư then chốt của quốc gia như đường sắt tốc độ cao, chúng tôi kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ thủ tục đầu tư một cách triệt để và toàn diện. Điều này bao gồm các biện pháp về cơ chế tài chính, tín dụng, tiếp cận đất đai và thị trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án quan trọng này được triển khai hiệu quả.

Quan tâm đến quy định về Số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá một lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét lại quy định này. Lấy ví dụ về câu chuyện Lòng se điếu được dư luận quan tâm thời gian qua, đại biểu cho biết: mặc dù sau quá trình thanh kiểm tra chưa phát hiện ra vi phạm an toàn thực phẩm nhưng cũng cho thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Từ đây đặt ra vấn đề về công tác thanh kiểm tra không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm mà còn ở các lĩnh vực khác, việc quy định chỉ kiểm tra một lần/ năm có đảm bảo việc doanh nghiệp hoạt động đúng luật hay sẽ tạo ra kẽ hở để lợi dụng. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhấn mạnh dù là doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước, việc bị thanh tra vào tháng 1 có thể tạo tâm lý chủ quan rằng 11 tháng còn lại sẽ không bị kiểm tra nữa. Doanh nghiệp phải luôn ý thức rằng nếu vi phạm, họ có thể bị xử phạt bất kỳ thời điểm nào, chứ không phải chỉ sau một đợt thanh tra định kỳ.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu đã cho ý kiến về Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: