Tăng trưởng tín dụng: Sẽ tăng tốc dần qua từng tháng

TRẦN HÙNG - QUỐC SỬ - TRÚC PHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/2/2024, 09:39

(HTV) - Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15% cho cả năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.

Mặc dù là định hướng vạch ra từ đầu năm, và có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, nhưng một loạt các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng đã được ngành ngân hàng triển khai quyết liệt. Sau giai đoạn đầu trầm lắng, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc dần về các tháng cuối năm. Đây là nhận định của Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

Tín dụng tháng 01/2024 giảm 0,6% so với cuối năm 2023

Phóng viên: “Xin chào Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh! Ngay từ cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%. Tuy nhiên, trong tháng đầu tiên của năm 2024, tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm ngoái. Liệu diễn biến như vậy có giống với thông lệ hàng năm? Hay có tiềm ẩn những khó khăn gì trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng?”.

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM: “Việc tín dụng tăng trưởng chậm lại và giảm so với năm ngoái là bình thường trong giai đoạn hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là trong những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 12/2023, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh tăng tốc tăng trưởng tín dụng tương đối lớn cho cả hệ thống. Ngoài ra, thường những tháng đầu năm, các hoạt động kinh tế mới chỉ bắt đầu, do tính thời vụ dẫn đến tăng trưởng tín dụng giảm. Việt Nam mình muốn tăng trưởng tín dụng thì phải tăng trưởng các hoạt động kinh tế, phải phát triển sôi động. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu đang chững lại và chậm lại, Việt Nam mình thì do có độ mở kinh tế lớn, do vậy nền kinh tế cũng phát triển chậm lại".

Phóng viên: “Hiện lãi suất tiền gửi và cho vay đều đang rất thấp, nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để đẩy dòng tín dụng chảy mạnh vào nền kinh tế. Vậy cần những giải pháp gì để khơi thông và phá vỡ trạng thái yên ắng này?”.

Cần hướng dòng tín dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thực

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM: “Vẫn còn tồn tại nhiều dấu hiệu của rủi ro nên các ngân hàng ngần ngại hơn trong việc giải ngân và cho vay. Đối với các doanh nghiệp, khi các đơn hàng còn ít thì việc vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh chưa được thực hiện”.

Gợi ý chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2024

“Tôi nghĩ rằng vào khoảng quý 2, quý 3, đặc biệt là quý 4, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tăng, mức tăng trưởng từ 10 - 15% là sẽ đạt được, và khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong giai đoạn này cũng hấp thụ được”, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh dự báo.

Phóng viên: “Xin cám ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn.”

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: