Tấm lòng của vợ chồng bác sĩ người Mỹ trong “ngôi nhà da cam”

Với thời lượng 20 phút, bộ phim là câu chuyện kể đầy những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật của những đứa trẻ và hai vợ chồng bác sĩ người Mỹ ở một Trung tâm phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam.

Buổi sinh hoạt tại Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Phổ

Cũng như rất nhiều mái ấm trên khắp Việt Nam, Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã trở thành “ngôi nhà” của những người chịu nhiều nỗi đau bởi cuộc chiến tranh hóa học cách đây hơn nửa thế kỷ. 

Ở đó, chất chứa biết bao kỳ vọng: góp phần xoa dịu “nỗi đau vượt thời gian”. Với thời lượng 20 phút, bộ phim là câu chuyện kể đầy những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật của những đứa trẻ và hai vợ chồng bác sĩ người Mỹ là ông Vohn Paul Bucher và bà Esther Bucher ở Trung tâm. Hiện nơi đây đang có khoảng 50 nạn nhân thường xuyên luyện tập, phục hồi chức năng, trong đó có 24 nạn nhân phải chăm sóc bán trú. 

Dù trước đó đôi vợ chồng bác sĩ người Mỹ đã bén duyên với đất nước Việt Nam nhưng mãi tận tháng 2 năm 2016 thì họ mới đến với Trung tâm này - nơi đang rất cần những cánh tay thương yêu và những tấm lòng nhân ái - sau khi được đọc cuốn sách “Đêm qua tôi mơ thấy hoà bình”- cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm. 

Vợ chồng bác sĩ Vohn Paul Bucher và Esther Bucher

Hơn hai năm qua, ông bà sống cùng những em nhỏ ở Trung tâm nghĩa tình này. Bằng kinh nghiệm lâu năm của mình, đôi vợ chồng đã hỗ trợ Trung tâm những chương trình trị liệu phù hợp nhất. Và, những đứa trẻ đã bắt đầu đi được, nói được và chúng cũng xem ông bà là cha mẹ, chúng gọi ông Vohn Paul Bucher là bố Bo và bà Esther Bucher là mẹ Yến.

Ông John Paul Bucher tâm sự: “Khi mới gặp những đứa trẻ ở trung tâm, tôi thấy có rất nhiều đứa trẻ có bề ngoài như một người hoàn toàn bình thường. Nhiều đứa trẻ bị mắc chứng chậm phát triển nhận thức. Điều này thì vợ tôi hiểu rõ hơn tôi nhiều. Nhưng khi đến những mái ấm, tôi mới thấy đau lòng. Bởi vì, bọn trẻ ở đó đã không được trị liệu từ rất lâu rồi nên bị tàn tật,chúng gặp nhiều khó khăn khi muốn đi lại. Tôi đã phải học hỏi từ vợ tôi vì bà ấy có nhiều kỹ năng trong lĩnh vực này. 

Tình cảm của vợ chồng bác sĩ Bucher đã giúp các đứa trẻ da cam có lòng tin vào cuộc sống 

Tôi không có những kỹ năng chuyên môn cần thiết, nên lúc ấy, tôi cũng như các bạn thôi. Tôi không biết mình phải làm gì, nhưng vợ tôi thì đã được đào tạo và có kinh nghiệm về vấn đề này. Hồi còn ở Mỹ, tôi không được thấy những công việc hằng ngày của bà ấy, nhưng ở đây, tôi đã có cơ hội đó và đã rất ấn tượng với vợ mình”. 

Với bà Esther Bucher thì được chứng kiến đứa trẻ vui chơi đó là niềm vui, là hạnh phúc, giúp họ ngày càng vững bước hơn trên hành trình thiện nguyện của riêng mình.

Đón xem bộ phim tài liệu “Trong ngôi nhà da cam” phát sóng lúc 8g thứ ba (30/7) trên kênh HTV9.

Thùy Trang