Phim tài liệu: "Làng thêu Quất Động"

Trong số các làng nghề vang bóng một thời cùng tên tuổi người khai sinh nó, có làng thêu Quất Động (phủ Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam cũ). Dù không là làng thêu duy nhất nhưng đây là làng thêu thủ công có lịch sử lâu đời, vang danh khắp vùng Kinh Bắc.


Làng thêu Quất Động thư yên nơi ngoại thành Hà Nội

Những sản phẩm của làng nghề đều ít nhiều mang dấu ấn lịch sử - văn hóa - xã hội và đời sống đương thời vẫn hiện diện cùng với thời gian. Cùng với đó là lòng ngưỡng mộ, sự tự hào về bậc tiền hiền Lê Công Hành - người đã có công khai sáng, mở mang sự nghiệp cho lớp cháu con làng thêu Quất Động ở ngoại thành Hà Nội ngày nay.

Câu chuyện đầy lôi cuốn về làng thuê Quất Động đã được kể trong bộ phim tài liệu cùng tên, được phát sóng cuối tuần qua trên kênh HTV9. Bộ phim đưa khán giả đi vào một không gian có chiều sâu văn hóa, giữa sự hối hả, tấp nập và náo nhiệt của một đô thị lớn, trung tâm thời hội nhập phát triển là một Hà Nội thư yên, bình lặng với hàng cây miên man gió lùa, với ngõ nhỏ văng vẳng tiếng chim, chập chờn bóng nắng, với một nếp nhà xưa cũ, một mái ngói rêu phong, một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của làng nghề... 


Tiến sĩ Lê Công Hành được tôn là Tổ nghề thêu

Từ trung tâm Hà Nội đi về phía Nam hơn 20km, nằm ven Quốc lộ 1A sẽ thấy một làng cổ. Đó là Làng nghề thêu tay truyền thống Quất Động. Nằm giữa chiếc nôi của xứ sở nghìn nghề, ngôi làng lâu đời này dường như vẫn giữ được vẻ bình lặng, dân dã và cả nét thâm trầm vốn dĩ của một làng nghề thủ công danh tiếng qua nhiều thế hệ. Bản thân những người thợ tài hoa của chính làng nghề cũng phải trải qua những thăng trầm, day dứt để duy trì cuộc sống và bảo tồn vốn nghề tinh túy do thế hệ trước truyền trao.

Dù đã có nhiều đổi thay ở làng thêu Quất Động, nhưng vẫn luôn có một tấm tình sâu nghĩa nặng từ mạch nguồn đang chảy qua nhiều thế hệ đối với Lê Công Hành - người trực tiếp trao truyền vốn nghề thủ công tinh túy cho các xã Quất Động, Tam Xá, Vũ Lăng, Hướng Dương và Hương Giai. Nhân dân trong vùng đã tôn làm Tổ Nghề và lập đền thờ tại thôn Hướng Xá, tức đền Ngũ Xá ở Quất Động ngày nay. Được biết, đền thờ ông còn được lập ở nội thành, đó là đình Vũ Du ở phố Hàng Da.


Nước ta bắt đầu nghề thêu từ trước đó hàng ngàn năm

Những vật dụng liên quan đến Tổ nghề Lê Công Hành lúc sinh thời và sau khi tạ thế đều được nhân dân lưu giữ nghiêm cẩn tại đền Ngũ Xá như những báu vật thiêng liêng. Đó là đôi kiệu rước Cụ vãn cảnh quanh làng mỗi năm vào ngày giỗ Cụ; các đạo sắc được cất trong ba tráp trên bàn thờ, chỉ mở trong những ngày quan trọng...

Không chỉ tìm hiểu về cuộc đời - sự nghiệp của ông Tổ nghề Lê Công Hành, về cuộc sống của những người thợ - người nông dân tại làng thêu Quất Động, bộ phim còn tìm đáp án cho câu hỏi: Nước ta bắt đầu thêu từ khi nào? Ông Trịnh Quang Vũ - Nhà nghiên cứu Mỹ thuật cổ cho biết: "Người Việt Nam không phải đến thế kỷ XVII mới biết thêu. Có những tài liệu khảo cổ, tư liệu lịch sử cho thấy, nghề thêu của người Việt Nam bắt đầu từ hàng ngàn năm trước. Thí dụ ở Di chỉ Bàu Tró cách đây 5.000 năm, đã tìm thấy dấu tích của thêu thùa (dọi se chỉ, dấu tích vải thô trên gốm). Điển hình trong thời kỳ Đông Sơn, có những mẫu hoa văn trên váy được thêu...". 

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

8g ngày 13/11 - Phim tài liệu "Tàu điện ngầm Tokyo"
8g ngày 14/11 - Phim tài liệu "Người cao tuổi Nhật Bản"
8g ngày 15/11 - Phim tài liệu "Nông nghiệp Nhật Bản"
8g ngày 16/11 - Phim tài liệu "Kimono" (Tập 1)
8g ngày 17/11 - Phim tài liệu "Kimono" (Tập 2)
8g ngày 18/11 - Phim tài liệu "Đạo đức người Nhật Bản"

Thiên Bình