Quyết đáp nhiều vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Báo Nhân Dân 12/5/2025, 07:00

Tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV diễn ra với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương và quyết tâm chính trị cao, thảo luận nhiều nội dung rất quan trọng đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Một trong những nội dung trọng tâm, có ý nghĩa chính trị-pháp lý đặc biệt tại kỳ họp lần này là việc Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ngay sau khi được thành lập, Ủy ban đã tổ chức Phiên họp thứ nhất và chính thức công bố việc lấy ý kiến nhân dân về toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan, đơn vị bám sát kế hoạch, chủ động triển khai nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng việc lấy ý kiến nhân dân.

Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm lấy ý kiến rộng rãi trong thời gian một tháng, làm cơ sở để tổng hợp, báo cáo trình Quốc hội. Cử tri và nhân dân có thể góp ý trực tiếp qua các kênh như ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoặc gửi văn bản đến các cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp.

Bên cạnh nội dung sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội dành thời gian thảo luận nhiều dự án luật và vấn đề quan trọng. Nhiều đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia kinh tế, pháp luật đặc biệt bày tỏ sự quan tâm nội dung liên quan việc thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, được đánh giá có ý nghĩa cấp bách tương tự như Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nhiều đại biểu cho rằng, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Ở hầu hết quốc gia phát triển, khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt trong tạo việc làm, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc thể hiện tinh thần của Nghị quyết 68 trong các dự án luật hiện hành, đồng thời ban hành một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu cấp thiết. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý ban hành hướng dẫn cụ thể, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Trao đổi bên lề kỳ họp với báo chí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân có lợi thế vượt trội về tính linh hoạt, khả năng chấp nhận rủi ro và sẵn sàng tiếp cận cái mới. Đây sẽ là lực lượng tiên phong trong ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo.

Cùng quan điểm, trao đổi với các phóng viên, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng: Nghị quyết 68 đã chạm vào những vấn đề then chốt của cộng đồng doanh nghiệp là những lo ngại về rủi ro pháp lý, môi trường kinh doanh thiếu an toàn. Việc bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và quyền cạnh tranh bình đẳng là chìa khóa để doanh nghiệp “dám làm, dám lớn”.

Tại Phiên họp 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra cuối tuần, Chủ tịch Quốc hội đã giao Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện nội dung các chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân, với tinh thần “chủ động từ sớm, từ xa”.

Trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội cũng đã dành thời gian thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Nhiều đại biểu khẳng định, việc sửa đổi lần này là cần thiết nhằm phù hợp mô hình tổ chức bộ máy sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, đồng thời tăng cường liên kết giữa các cấp quy hoạch: quốc gia, vùng và tỉnh, phù hợp chủ trương phân cấp, phân quyền của Đảng.

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Việc sửa luật cần hướng tới mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm hệ thống quy hoạch đồng bộ, tích hợp và minh bạch. Đặc biệt, luật phải quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch; lồng ghép yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Luật cần bảo đảm việc công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, nhất là các nhóm chịu tác động trực tiếp; đồng thời, tăng cường cơ chế giám sát độc lập, các “kênh” giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân..., qua đó tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện vì lợi ích cục bộ.

Trong tuần làm việc tiếp theo, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận các nội dung quan trọng như: dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Các phiên họp này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân theo dõi.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến về các nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm như: việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tờ trình về Ngày bầu cử toàn quốc đối với Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; cùng nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng khác.

Với tinh thần đổi mới, hành động và vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, kỳ họp thứ 9 đã và đang thể hiện rõ vai trò của Quốc hội tích cực, chủ động, đồng hành cùng Chính phủ xem xét và quyết định các quyết sách mang tầm chiến lược, cấp thiết và khẩn trương từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống, vì sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Ý kiến của bạn: