(HTV) - Mới đây, nhờ Kính Thiên văn không gian James Webb, các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng rõ ràng nhất về sự sống ngoài Hệ Mặt Trời. Phát hiện này nằm ở hành tinh K2-18b, cách Trái Đất khoảng 120 năm ánh sáng.
Phân tích các bức ảnh chụp hành tinh K2-18 b, các nhà khoa học phát hiện 2 loại khí dimethyl sulfide DMS và dimethyl disulfide DMDS. Trên Trái Đất, hai loại khí này được tạo ra bởi các sinh vật sống, đặc biệt từ thực vật phù du biển.
Điều này cho thấy hành tinh K2-18 b có thể tràn ngập sự sống - từ các vi khuẩn.
Nikku Madhusudhan - Nhà vật lý thiên văn, Viện thiên văn học, Đại học Cambridge chia sẻ: "Đây là một bước ngoặt trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Hệ Mặt Trời mà con người đang thực hiện, chứng minh chúng ta có thể phát hiện các dấu hiệu sinh học trên những hành tinh. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên sinh vật học nhờ quan sát thiên văn".

Hành tinh K2-18 b cách Trái Đất khoảng 120 năm ánh sáng, có thể tràn ngập sự sống - từ các vi khuẩn
K2-18 b có khối lượng gấp 8,6 lần và đường kính gấp khoảng 2,6 lần Trái Đất. Quỹ đạo của hành tinh này nằm trong "vùng có thể có sự sống" - nơi nhiệt độ cho phép nước tồn tại ở thể lỏng trên bề mặt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phát hiện mới nhất chỉ là dấu hiệu sinh học, cần được xem xét thận trọng và quan sát nhiều hơn nữa.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9