Nhiều vấn đề đáng quan tâm tại phiên thảo luận tổ của Hội nghị Thành ủy TP.HCM

THANH VÂN - TRẦN HÙNG - VĨNH LỘC - TẤN LỘC - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 5/12/2024, 14:05

(HTV) - Tại phiên thảo luận tổ của Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 34, các đại biểu trao đổi về các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt là sắp xếp tổ chức bộ máy, chuyển đổi số và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Về giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ máy tinh gọn, mạnh mẽ và hiệu quả trong thời kỳ đất nước đang chuyển mình. Đặc biệt, các đại biểu cho rằng Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu và chỉ đạo để phát triển các ứng dụng hỗ trợ công tác của các khu phố, phường, xã sau khi được sắp xếp lại.

Các đại biểu tiến hành thảo luận tổ

Ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND Quận Gò Vấp, TP.HCM cho rằng: “Mô hình khu phố hiện nay là mỗi khu phố quản lý ít nhất 500 hộ dân. Với lượng người dân đông như vậy thì những ứng dụng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ công tác khu phố thường xuyên, hỗ trợ cho việc kết nối giữa các khu phố với nhân dân, và trong phạm vi cấp phường cũng như các địa phương toàn thành phố là việc rất cần để nghiên cứu và phát triển.”

Cần nghiên cứu triển khai các ứng dụng hỗ trợ khu phố phường xã kết hợp với người dân

“Một hạ tầng số đủ mạnh để triển khai các ứng dụng này là hết sức quan trọng. Thứ hai, chúng ta đẩy nhanh phát triển xã hội số thì phải hướng đến 2 đối tượng. Một là làm sao để nâng cao năng lực số cho người dân tại Thành phố. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức đang làm trong khu vực công là một trong những việc chúng ta cần tập trung thực hiện.” - Bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM đề xuất.

 Các đại biểu cũng đã tập trung phân tích những giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian ngắn còn lại của năm. Với thực trạng thành phố chỉ giải ngân được hơn 24% tổng vốn, nhiều ý kiến đã chỉ ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Không chỉ vậy, vấn đề năng lực nhà thầu và hiệu quả sử dụng vốn cũng được đặt ra như một bài toán lớn, đòi hỏi sự nhìn nhận thấu đáo.

Ông Vũ Anh Khoa - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM nêu ý kiến: “Con số này là kết quả nhưng vấn đề đặt ra là nó vướng cái gì, vướng cơ chế chính sách hay là quá trình tổ chức thực hiện, quá trình giải ngân một số vấn đề liên quan. Việc này có trách nhiệm giải trình với Thành ủy, với nhân dân Thành phố, để chúng ta tiếp tục có chỉ đạo trong thời gian sắp tới.”

TP.HCM ra sức thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM cho rằng: “Khi mà chúng ta lựa chọn nhà đầu tư để thi công, nhà thầu thi công đó phải thực sự có năng lực để có thể hấp thụ ngay, đưa ngay vốn vào để giải quyết. Hiện nay, năng lực còn yếu là do chính năng lực của nhà thầu, cho nên việc hấp thụ vốn vào nền kinh tế còn chậm.”

Ngoài các vấn đề trên, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2014, nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2025. Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 05 của Thành ủy TP.HCM về kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9/2021 cũng được các đại biểu đánh giá, đồng thời đề xuất các giải pháp giải quyết các dự án, công trình tồn đọng, giúp TP.HCM bước vào "kỷ nguyên mới" cùng cả nước.

Ý kiến của bạn: