Nhiều địa phương tại TP.HCM vẫn còn đối mặt với tình trạng sụt lún

LY LY - MINH TẤN - TÀI NGUYỄN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 26/5/2024, 09:52

(HTV) - Từ năm 2023 thì khu vực bờ kè kênh Thanh Đa đoạn 1.1 đã bị sụt lún nghiêm trọng, TP.HCM cũng đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục, tuy nhiên đến thời điểm này thì các căn nhà liền kề khu vực bị ảnh hưởng xuất hiện dấu hiệu sụp lún.

Đoạn sạt lở nằm cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50 m, dài khoảng hơn 200 m dọc kênh, chiều rộng từ các đỉnh kè vào trong bờ khoảng 10 m. 

Nằm gần sát bờ kênh nơi xảy ra sạt lở, gia đình ông Nguyễn Văn Tư, phường 25, Quận Bình Thạnh là một trong 4 hộ tiếp tục có dấu hiệu sụt lún hiện đang được chính quyền địa phương khảo sát, vận động di dời đến nơi an toàn.

Nhà Bè cũng là địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, giai đoạn 2023-2024, huyện ghi nhận 07 vị trí sạt lở trong đó có 03 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 04 vị trí nguy hiểm. Khu vực bờ trái sông Rạch Giồng thuộc xã Hiệp Phước có quy mô sạt lở hơn 200m, diện tích sạt lở khoảng 1000m2, gây mất đất bờ sông, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân quanh khu vực.

Nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại từ các vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch, TP.HCM cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các dự án công trình kè chống lở, ngăn triều bảo vệ an toàn khu dân cư.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: