Người thổi hồn tranh gạo

Kim Quyên 24/4/2022, 20:30

Một hành trình khởi nguồn từ yêu thương. Một mong ước vươn mình ra biển lớn để lan tỏa những giá trị nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc. Khát vọng và hoài bão ấy khởi đầu bằng hai chữ "tình cờ".

Việt Nam nổi tiếng với những hạt gạo dẻo thơm và từ lâu đã trở thành một trong những cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo. Theo nhịp sống thời hiện đại, hạt gạo giờ đây không chỉ là lương thực cần thiết trong cuộc sống hàng ngày mà còn trở thành chủ thể cho những sáng tạo nghệ thuật. Những bức tranh sống động được tạo thành từ gạo là minh chứng cho sự tài hoa, khéo léo và sáng tạo của những người nghệ nhân, đồng thời điểm tô thêm cho giá trị toàn diện của hạt gạo quê hương.

Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cô gái đến với tranh gạo một cách đầy tình cờ chia sẻ: "Ngày xưa tôi và gia đình khởi nghiệp bằng tranh cát, song theo thời gian, tôi được biết và tận mắt thấy tranh gạo, khi đó, ý tưởng trong tôi là làm sao xây dựng một thương hiệu tranh Việt Nam có chất lượng tối ưu và giá thành hợp lý, nhằm đưa nghệ thuật đến tất cả mọi người, đồng thời giúp các nghệ nhân quảng bá sản phẩm của họ; Sau đó là giấc mơ và khát vọng mang văn hóa Việt Nam ra thế giới".

Vì là người đi tiên phong trong một ngành hoàn toàn mới, không hề có bất kỳ số liệu nào để tham khảo và cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, nên cả gia đình chị phải kiên nhẫn, từng bước thuyết phục khách hàng tin tưởng vào sản phẩm rất mới của mình, bởi có mấy ai nghĩ gạo lại có thể tạo thành tranh và cũng không ai tin là quá trình tạo ra một tác phẩm lại kỳ công, tốn nhiều thời gian và tâm sức đến vậy.


Để có được những tác phẩm tranh gạo "hút hồn" khách hàng, điều quan trọng đầu tiên của người nghệ nhân là phải chọn được những loại gạo có màu hoàn toàn tự nhiên và không sử dụng bất cứ một loại hóa chất nhuộm màu nào. Một số loại gạo như nếp than, huyết rồng có thể sử dụng được ngay. Còn gạo tám, gạo tẻ… thì phải sấy và gia nhiệt để tạo nên các tông màu từ trắng, vàng đến nâu nhạt, nâu sậm, đen…


Việc xử lý để bảo quản gạo cũng đòi hỏi sự công phu và cẩn trọng. Nhưng cái khó nhất vẫn là sự kiên nhẫn và tỉ mỉ xếp gạo lên tranh, phối màu sáng tối để tạo nên "cái thần" cho tác phẩm. Có nhiều bức tranh, các nghệ nhân phải tập làm đi làm lại nhiều lần thì tác phẩm cuối cùng mới đạt được độ hoàn hảo nhất định và sự ưng ý về thẩm mỹ.


Khi vượt qua hết những khó khăn thì cũng là lúc chị nhận được những thành quả ngọt ngào trong công việc. Với chị Ngọc Quỳnh, niềm vui có thể là số tiền bán đấu giá tranh rất lớn để đóng góp vào một quỹ từ thiện, hay những lời khen ngợi, động viên của khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới.


Tự hào là doanh nghiệp tiên phong giới thiệu nghệ thuật tranh gạo đến với thị trường, chị Quỳnh cùng với gia đình đã và đang nỗ lực mang đến những món quà đậm tình quê hương cho những người Việt Nam trong và ngoài nước. Đồng thời, tranh gạo cũng là vật phẩm lưu niệm đầy ý nghĩa dành cho khách du lịch và những người yêu văn hóa Việt, là niềm tự hào và hãnh diện của người Việt Nam trên trường quốc tế.

Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật - HTV7.

Ý kiến của bạn: