Phim Tài liệu

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với biến đổi khí hậu

Thông qua phim tài liệu "Đất mặn", đạo diễn Trần Quốc Sơn đã phản ánh chân thật câu chuyện của những người dân Đồng bằng sông Cửu Long khi điều kiện tự nhiên nơi đây ngày càng khắc nghiệt.

Hạn mặn năm 2016 khiến người dân ĐBSCL điêu đứng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, trong đó đất phù sa chiếm 30% tập trung hai bờ sông Tiền và sông Hậu. Nguồn đất phù sa màu mỡ đã giúp nơi đây trở thành vựa lúa, thủy sản và trái cây lớn nhất nước. Sản lượng lúa hằng năm của vùng này đóng góp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước, biến Việt Nam từ một quốc gia thường xuyên thiếu đói sau chiến tranh thành một cường quốc lúa gạo của thế giới. 

Khi nói về Đồng bằng sông Cửu Long, bao lâu nay người ta vẫn được hình dung như một vùng đất được thiên nhiên hào phóng ưu đãi với những cánh đồng màu mỡ thằng cánh cò bay, những dòng sông đầy ắp nước ngọt lành. Nhưng thực tế, giờ đây khi nhắc về vùng đất này người ta phải chấp nhận một sự thật rằng tất cả những ưu đãi ấy chỉ còn tồn tại trong ca dao và những giai thoại thời mở đất. 

Đất phèn ở ĐBSCL

Giờ đây, diện tích đất nông nghiệp lẫn đất đai nói chung của Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hẹp từng ngày, với tốc độ có thể quan sát bằng mắt thường. Nước biển đã dâng cao hơn, sóng lớn hơn và gió cũng mạnh hơn, lạnh lùng cuốn đi từng vạt đất được con người chắt chiu gom góp hàng thế kỷ. Theo thống kê, gần đây mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long bị mất gần 500 ha đất do sạt lở. Ở vùng biển Tây, cách đây 15 năm bồi là chính, nhưng hiện nay lở là chính.

Đời sống nông dân ĐBSCL ngày càng khó khăn do những con đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong mang đến

Với thời lượng 40 phút được chia làm 2 tập, mỗi tập 20 phút, đạo diễn Trần Quốc Sơn đã phản ảnh chân thật câu chuyện của những người nông dân nơi đây khi phải đối mặt với những khó khăn. Khi mà hàng loạt đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong làm thay đổi nghiêm trọng dòng chảy, có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới. Hàng loạt nạn phá rừng làm cho rừng trên thượng nguồn không còn là bao nhiêu. 

 Hạn mặn ở ĐBSCL

Khi mà vấn đề biến đổi khí hậu không còn là một khái niệm trừu tượng, không còn là lời cảnh báo xa xôi từ các hội thảo khoa học, trong các hội trường máy lạnh mà nó đã ngang nhiên ngự trị trên đồng khô cỏ cháy, trong từng hạt lúa vàng màu hoàng hôn... Thiên nhiên ngày càng đỏng đảnh, khắc nghiệt, thậm chí bạo liệt với con người, dù tình người nơi này vẫn mặn mòi thủy chung với đất. 

Khi những nông dân Đồng bằng sông Cửu Long không còn mơ hồ về sự đổi khác của thiên nhiên và cay đắng nhận ra thời làm chơi ăn thiệt trên những đồng lúa bạt ngàn đã vĩnh viễn đi vào quá khứ thì họ sẽ ứng xử như thế nào với thiên nhiên? 

Câu hỏi sẽ được trả lời qua bộ phim tài liệu "Đất mặn", phát sóng lúc 8g từ ngày 4/12 trên kênh HTV9.

Thùy Trang