Nghệ thuật và cuộc sống

Nghệ thuật Pháp lam

Pháp lam là loại hình mỹ thuật, đồng thời, là một loại vật liệu đặc biệt, được sử dụng rất nhiều trong việc trang trí nội ngoại thất các cung điện ở Huế. Đó là những tác phẩm mỹ thuật hay các chi tiết trang trí trong kiến trúc Huế.

Nghệ thuật Pháp lam bắt nguồn từ Huế

Nhiều du khách khi đến Huế đã không khỏi ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng quần thể di tích cố đô còn giữ lại gần như nguyên vẹn nét đặc trưng của một triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. 

Trên những công trình kiến trúc Huế ở các phường môn, cổ diềm mái điện, bầu hồ lô tại Hoàng thành, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ... một chi tiết trang trí mỹ thuật rất đặc trưng được áp dụng – đó chính là nghệ thuật Pháp lam. 

Pháp lam là danh xưng bắt nguồn từ thời vua Minh Mạng dùng để gọi những chế phẩm làm bằng đồng tráng men nhiều màu, do các nghệ nhân trong quan xưởng của triều Nguyễn chế tác, được tiếp thu từ kỹ nghệ “pháp lang” (falang) của người Trung Quốc. Bằng tài hoa và khối óc, các nghệ nhân Việt Nam xưa đã biến bộ môn nghệ thuận này thành tinh hoa độc đáo của xứ Huế. 

Nghệ nhân trang trí Pháp lam

Nghệ thuật chế tác Pháp lam là một kĩ nghệ tích hợp nhiều công thức bí truyền của các ngành nghề thủ công như kim hoàn, nghề chạm kim loại, nghề gốm sứ, nghề đúc đồng… mà không có tài liệu hướng dẫn hay truyền nhân đi trước. 

Được thịnh hành dưới triều đại nhà Nguyễn và vốn đã thất truyền hơn 200 năm nhưng hiện nay, nghệ thuật Pháp lam đang được nhiều nhà nghiên cứu bảo tồn, quan tâm và phục dựng.

Các sản phẩm chế tác theo nghệ thuật Pháp lam

Từ dòng mỹ nghệ trang trí chỉ dùng trong cung đình, nghệ thuật pháp lam ngày nay được ứng dụng để tạo nên các sản phẩm trang trí và làm đẹp cho không gian sống như đèn ngủ, bàn ghế, các bức bình phong…. 

Song, nét đài các, cao quý của loại hình nghệ thuật này không vì thế mất đi mà mỗi sản phẩm Pháp lam luôn mang đến vẻ sang trọng cổ điển cho các không gian sử dụng. 

Khám phá những bí kíp độc đáo của kĩ nghệ chế tác Pháp lam trong Tạp chí văn nghệ, phát sóng lúc 8g20, chủ nhật (3/6) trên kênh HTV7.

Mỹ Trang - Ảnh: Thành Khôi