Nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh - Thổi hồn Việt qua từng giai điệu

Kim Quyên 30/1/2023, 09:43

Thuộc thế hệ thứ ba kế thừa sự nghiệp mang sứ mệnh khuếch trương thanh thế sáo trúc Việt của gia đình họ Đinh, gồm NSƯT Đinh Thìn và NSƯT Đinh Linh, nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh chọn cho mình một hướng đi rất khác để phát triển bộ môn nghệ thuật này.

Năm 12 tuổi, Đinh Nhật Minh một mình sang Trung Quốc du học. Hơn 6 năm rèn giũa ở Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Đinh Nhật Minh nhận hàng loạt giải thưởng quan trọng trong sự nghiệp, được mời đi lưu diễn ở Pháp, Đức, Phần Lan, Hungary, Bỉ... Với Đinh Nhật Minh, đam mê dành cho bộ môn nghệ thuật sáo trúc là bất tận.

Nhiều người nói rằng "thế thì sống bằng gì nếu cứ mải mê với những hành trình thể nghiệm cái mới và quảng bá nhạc dân tộc miễn phí thế này?". Minh lạc quan: "Mình cứ hết lòng với niềm đam mê của mình trước đã. Mọi thứ thì nghĩ sau. Ông trời công bằng mà, lo gì".

So với hình ảnh một nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc thường chỉn chu trong áo dài như thường thấy, hình ảnh của Nhật Minh có phần "nổi loạn". Nhiều người thấy lạ nên xầm xì nhưng thật ra, sự lựa chọn trang phục của Nhật Minh có sự tính toán, khôn khéo. Bởi Minh đang trên hành trình đưa nhạc dân tộc đến với khán giả bằng tư duy, cảm nhận và hơi thở của chính mình ở thế kỷ 21, thời kỳ đương đại với sự giao thoa của nhiều thể loại âm nhạc, trong đó có nhạc truyền thống, dân tộc với âm nhạc hiện đại, tạo nên một không gian gần gũi, thân thiện với khán giả.


Với Đinh Nhật Minh, thời ông nội anh, nhạc dân tộc là "linh hồn" của một chương trình biểu diễn. Nghệ sĩ biểu diễn nhạc dân tộc là những ngôi sao không thể thay thế. Rồi đến thời cha và mẹ (NSƯT Tuyết Mai), nhạc dân tộc chính là phương thức kết giao tuyệt vời trong quan hệ bang giao các nước. Thời điểm đó, khán giả trong nước vẫn còn sự quan tâm, nhưng đã bị chi phối nhiều bởi nhạc trẻ, bởi sự du nhập của âm nhạc thế giới. Và đến lúc này, ý kiến mà nhiều người nói về nhạc dân tộc, truyền thống chính là "khán giả quay lưng".

Bản thân Minh ít nhiều nhận ra điều ấy. Thay vì ngồi than vãn, Minh thấy rằng: "Đó đơn giản là sự thay đổi của thời thế. Thế hệ khán giả thay đổi theo thời gian và vì vậy, thẩm mỹ cùng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của họ cũng khác đi. Thế nên, việc của nghệ sĩ phải làm là mang đến những gì tiệm cận với sở thích khán giả. Tất nhiên, điều đó phải dựa trên nền tảng âm nhạc dân tộc truyền thống mà mình theo đuổi. Và từ đó, những dự án kết hợp nhạc dân tộc với điện tử của mình cũng ra đời nhiều hơn".

Nhật Minh nói yêu sáo trúc như hơi thở của mình. Một trong những nguồn cảm hứng để Nhật Minh luôn giữ "lửa" nghề là truyền thống gia đình, tình cảm của cha mẹ. Anh kể một lần khi trình diễn tác phẩm Hoa Nắng do cha sáng tác tại Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen, từ trên sân khấu, anh nhìn thấy mẹ đứng phía dưới lặng lẽ khóc khi xem tiết mục của mình. Lần đó, tiết mục của Đinh Nhật Minh đoạt huy chương vàng Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012. Nhưng ký ức sâu đậm nhất là ánh mắt, dáng hình của mẹ như sự kỳ vọng và lời nhắc với anh rằng hãy nỗ lực gắn bó với nghề dù còn nhiều khó khăn.

Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật trên kênh HTV7.

Ý kiến của bạn: