(HTV) - Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô - người tiên phong phát triển ngành vi mạch tại Việt Nam đã qua đời. Ông cũng là nhà giáo duy nhất vừa được tôn vinh có nhiều cống hiến trong sự phát triển của TP.HCM trong 50 năm qua.
Lễ tang của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, quận Gò Vấp.
Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM làm trưởng đoàn đã đến viếng Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên viếng Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô

Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM viếng Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô
Trong sổ tang, đồng chí Nguyễn Văn Nên viết: “Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vô cùng thương tiếc Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Lương Mô - Giáo sư danh dự Đại học Hosei (Nhật Bản), Chủ tịch danh dự Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM, nguyên cố vấn cao cấp Đại học Quốc gia TP.HCM.
Một nhà khoa học tài năng, tâm huyết, sống trọn vẹn với lý tưởng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân tài cho đất nước, người đi tiên phong trong phát triển công nghệ vi mạch tại Việt Nam, người thầy uyên bác, đức độ của nhiều thế hệ. Cá nhân tiêu biểu xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975-2025. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô".

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nắn nót viết vào sổ tang, gửi gắm đến Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Lương Mô
Thông tin Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Lương Mô qua đời khiến nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp, bạn bè của ông không khỏi bất ngờ và bày tỏ niềm thương tiếc.
Ông Lê Ngọc Sáu - Cựu Sinh viên Trường Kỹ sư Kỹ thuật Phú Thọ 1970 -1974 (nay là Đại học Bách Khoa TP.HCM) chia sẻ rằng sau 30/4, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Lương Mô đã đóng góp rất nhiều trong những mảng về vi mạch. Nhớ về người thầy năm xưa, ông Sáu bồi hồi kể lại: “Trong những người bạn cùng tôi học khóa điện tử, thầy vừa dạy lý thuyết, vừa thực hành rất sát với công việc. Từ đó mà chúng tôi tiếp thu kiến thức rất nhanh”.
Ông Nguyễn Đình Ngọc - Cựu Sinh viên Trường Kỹ sư Kỹ thuật Phú Thọ 1970 -1974 (nay là Đại Học Bách Khoa TP.HCM) chia sẻ: Theo đánh giá của tôi, lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, bởi việc sản xuất vi mạch đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao. Bên cạnh công nghệ, chúng ta cần một đội ngũ lớn kỹ sư điện tử để có thể tự thiết kế chip. Tôi nhận thấy những đóng góp của thầy Mô, một chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Nhật Bản, là vô cùng thiết thực cho Việt Nam. Chúng ta nên cân nhắc đi theo định hướng mà thầy đang cố vấn.
Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Đặng Lương Mô đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Khi trở về nước, Giáo sư Đặng Lương Mô đề xuất thiết lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2005. Trung tâm đã thiết kế thành công con chip đầu tiên của Việt Nam.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9