(HTV) - Đến địa chỉ 145 Pasteur, những trang lịch sử hào hùng một lần nữa được lần giở sống động qua từng câu kể của những người con ưu tú của Tổ Quốc. Họ đã từng là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, cùng lòng nhiệt huyết và tình yêu nước căng tràn
Trải qua năm tháng chìm trong khói lửa, bom đạn, họ - những người chiến sĩ, thanh niên xung phong luôn có hành trang bên mình sự kiên trung, bất khuất và đặc biệt là tinh thần xây dựng và phát triển xã hội.
Họ - thế hệ đi trước đã tạo nên hòa bình và tiếp tục truyền lửa cho thế hệ sau nối tiếp, như những lớp sóng trào dâng không bao giờ dứt để xây dựng nước nhà ngày càng vững mạnh.
.webp)
50 năm đã trôi qua kể từ Mùa xuân Đại thắng 1975, nhưng những ngày tháng đấu tranh tại nhà tù Côn Đảo vẫn còn hiện rõ trong tâm trí của cô Nguyễn Ngọc Ánh - Cựu cán bộ Biệt động Thành đoàn Sài Gòn Gia Định.

Những đòn tra tấn tàn bạo tại nhà tù Côn Đảo cũng không thể nung chảy ý chí sắt thép của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Sự kiên trung, mưu trí, cùng niềm tin vào lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp họ sống và chiến đấu tận nơi địa ngục trần gian ấy.
Bức hình của Cô Ánh (thứ 2 từ trái qua) cùng các đồng đội Tiến quân Tiếp quản, được chụp vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975
Bao năm tháng trôi qua, những vết sẹo còn in hằn trên da thịt, những di chứng sau nhiều đợt tra tấn vẫn âm ỉ. Nhưng với cô, được nhìn thấy đất nước độc lập, tự do là món quà lớn nhất của cuộc đời – một niềm hạnh phúc sâu sắc, mà cô và bao đồng đội năm xưa đã đánh đổi bằng cả tuổi xuân và máu xương để giành lấy.

Còn với Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Hữu Nguyên, những ngày đầu rời xa quê nhà, hành quân vào chiến trường miền Nam mãi còn vẹn nguyên trong ký ức. Đó là một hành trình không chỉ vượt qua địa lý, mà còn là hành trình của niềm tin và hy vọng vào ngày thống nhất. Trong ký ức của người lính ấy, những tháng ngày gian khổ nơi chiến trường miền Nam lại thấm đẫm nghĩa tình của đồng bào máu thịt mà thời gian không thể xóa nhòa.
Có thời điểm, một số người nước ngoài từng cho rằng người dân miền Nam không mặn mà với người từ nơi khác đến. Ông kiên quyết phủ nhận điều ấy. Bởi chính ông – một người lính xa quê – đã được yêu thương, chăm sóc, che chở bởi những người “má”, những người dân miền Nam bình dị. Ông xúc động nhớ lại: "Các má còn thương chúng tôi hơn cả những người bản xứ, hơn cả ruột thịt."

Các “má” – tiếng gọi thân thương dành cho những người bà, người mẹ, người chị miền Nam - đã góp phần lớn vào chiến thắng của dân tộc, nuôi dưỡng những người lính giữa thời bom đạn. Tình thương của các má là thứ vũ khí tinh thần vô giá, tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội, giúp họ vững tin chiến đấu nơi tuyến lửa.
Bởi thế, chiến thắng của dân tộc ta không chỉ đến từ những nòng súng, viên đạn hay những cỗ xe tăng gầm vang, mà đến từ một thứ còn mạnh mẽ hơn tất cả – đó là tình yêu thương, là sự đoàn kết keo sơn của cả dân tộc, là lý tưởng Cách mạng và niềm tin tuyệt đối vào Đảng.
Chính những điều ấy đã tạo nên một vũ khí vô hình nhưng bất khả chiến bại – giúp dân tộc ta có được Mùa xuân Đại thắng 30/4/1975, để Non sông liền một dải, Bắc – Nam sum họp một nhà.
.webp)
Cô Trần Kim Oanh - Nguyên cán bộ Tổng đội Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam - kể về quãng thời gian cùng đồng đội xông pha chiến trường. Đó là những ngày cùng đồng đội băng rừng, lội suối, đối mặt với bom đạn, đói khát, cái chết cận kề – nhưng cũng là những ngày chan chứa lý tưởng, tình đồng chí sâu nặng.

Cô nhớ có đợt khi giặc càn, một chiến sỹ trúng đạn và hy sinh trong tư thế ngồi. Chưa dừng lại, kẻ thù còn ngang nhiên treo liệt sĩ ấy lên cao, hòng gài bẫy đồng đội đến cứu rồi tiêu diệt. Trước âm mưu tàn ác của địch, các chiến sĩ chỉ đành đau xót, ngậm ngùi nhìn đồng đội hy sinh. Nỗi xót xa ấy, đến nay vẫn như một vết cắt trong tim cô thanh niên xung phong.
Cứ mỗi dịp Đại Lễ 30/4, giữa niềm vui của toàn dân tộc, cô vẫn luôn mang theo một phần ký ức không thể nguôi – ký ức về tuổi trẻ đã cống hiến trọn vẹn cho Tổ quốc, và những người đồng đội mãi nằm lại trong trái tim cô.
.webp)
Thạc sĩ Nguyễn Minh Hạnh - Tổ trưởng tổ bảo mật, cán bộ Ban cơ yếu khu Tây Nam Bộ - vẫn không giấu được sự xúc động mỗi lần đọc lại lá thư của người chiến sĩ, cũng là người anh đồng hương, gửi cho cô trước khi bước vào tuyến lửa.

Lá thư của chiến sĩ Thanh Tòng gửi cô Minh Hạnh trước lúc xông pha ra chiến trường ác liệt
Dẫu biết sự hy sinh là không thể tránh khỏi, nhưng người chiến sĩ ấy vẫn xông pha lên tuyến lửa, để chiến đấu vì nền độc lập của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no của nhân dân.


Cô Hạnh cùng đồng đội trong những giây phút sinh hoạt văn hóa
Mặc dù chiến tranh khốc liệt, nhưng ký ức của cô Hạnh vẫn có nhiều niềm vui cùng đồng đội. Cứ sau mỗi trận chiến ác liệt, đồng đội cô sẽ tập trung để ca hát, động viên tinh thần nhau. Chính sự lạc quan và yêu đời ấy đã trở thành liều thuốc tinh thần quý giá, giúp những người lính trẻ vượt qua muôn vàn gian khổ, tiếp tục chiến đấu. Đó là ký ức, là niềm tự hào, và cũng là lời nhắc nhở về một thời tuổi trẻ đã sống trọn cho Tổ quốc.
.webp)
Đến hôm nay, đất nước đang trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, toàn bộ thế hệ người con Việt Nam trên mọi miền đang ngày đêm phấn đấu, nỗ lực đóng góp cho xã hội vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh.
Những người lính ấy vẫn tiếp tục hành trình truyền lửa cho thế hệ trẻ, để bài học lịch sử anh hùng tiếp tục được vang mãi, như câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Bài học của quá khứ soi sáng hành trình đến tương lai”.