Phim Tài liệu

Giữ ngọc cho đời

Cách đây hơn sáu trăm năm, Tuồng hay còn gọi là hát bội được xem là loại hình nghệ thuật diễn xướng được yêu thích trong cung đình của các bậc vương tôn. Thời hoàng kim của nghệ thuật Tuồng rực rỡ đến nổi nó đã in sâu vào nếp sống của người Việt xưa.

Trình diễn Tuồng (Hát Bội) trong nhà hát

Trong thời điểm hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào ghi rõ sự ra đời của nghệ thuật Tuồng cổ, chỉ biết rằng từ khi loại hình nghệ thuật này được đưa vào nơi xa hoa quyền quý chốn cung vàng điện ngọc thì nó được phát triển mạnh mẽ. Người khởi xướng cho Tuồng là Đào Duy Từ (1572 – 1634) – người của làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa. Ông là một công quốc đại thần dưới triều chúa Nguyễn. 

Đào Duy Từ đã góp công đưa nghệ thuật hát bội đến với công chúng bằng những vở diễn do ông sáng tác. Những tác phẩm của Đào Duy Từ có một sức sống lâu bền đến tận ngày nay, rõ nét nhất là Tuồng San Hậu - Một trong những vở diễn kinh điển của nghệ thuật Tuồng Việt Nam.

 

Tuồng xưa

Tuồng được xem là một loại hình nghệ thuật bác học từ thời xưa, bởi lẽ những nhà soạn Tuồng phần lớn là các bậc quan thần trong triều đình thời đó. Chính vì vậy họ có một cái nhìn khái quát về thế sự cũng như về chính sự. Hơn nữa lúc bấy giờ Tuồng được dựng lên để cho vua xem nên nội dung của vở diễn phải gần gũi với cuộc sống chốn cung đình. Tinh thần Trung quân ái quốc, nghĩa khí anh hùng xả thân đền nợ nước luôn là những đề tài được các nhà sọan Tuồng quan tâm. 

Trải qua nhiều cuộc thăng trầm trong lịch sử dân tộc, Tuồng cũng không tránh khỏi những bấp bênh. Loại hình diễn xướng này đã theo chân các nghệ nhân phiêu bạc khắp nơi, từ Bắc vào miền Trung mà trong đó có Đào Tấn, nhân vật đã đưa Hát Bội xứ Quảng lên tới đỉnh cao nghệ thuật và dừng chân nơi vùng đất được mệnh danh là đất lành chim đậu – Nam Bộ. 

Đào Tấn (1845 – 1907)

Do miền Nam là nơi giao thương của các nước lân cận, lúc bấy giờ chủ yếu là Trung quốc, nên nghệ thuật Tuồng đã có dịp gặp nghệ thuật diễn xướng khác của Trung Hoa gọi là Hồ Quảng. Sự kết hợp giao thoa về phục trang cũng như vũ đạo đã mang thêm màu sắc cho hát bội, nhưng vẫn giữ nguyên gốc của Tuồng Việt Nam. Sự hấp dẫn của Tuồng không chỉ dừng lại ở việc diễn và hát mà ở đó người xem còn cảm nhận được sự hoành tráng, công phu trong cách dàn dựng. 

Vở diễn “Hoàng Ngọc – Hoàng Ân”

Tuồng được xem là một viên bảo ngọc được tích tụ từ tài năng và khối óc của lớp lớp người đi trước, một công trình nghệ thuật được xây dựng và sống qua hàng mấy thế kỉ nay. Dẫu biết rằng thời hoàng kim của Tuồng đã trôi vào dĩ vãng nhưng giá trị của nghệ thuật này không chỉ dừng lại bởi sự hưng thịnh mà Tuồng được xem như là một viên ngọc quý thẩm thấu những tinh hoa trí tuệ của cha ông cần được lưu truyền cho hậu thế. Giữ được sức sống cho Tuồng là giữ được cội nguồn đáng tự hào của dân tộc.

Với thời lượng 3 tập, mỗi tập dài 20 phút, bộ phim tài liệu “Giữ ngọc cho đời” phát sóng lúc 15g ngày 14, 15, 16/11 sẽ mang đến cho người xem một câu chuyện về lịch sử Tuồng Việt Nam. 

Thùy Trang