Phim tài liệu

Điện Biên Phủ trong lòng người Nam Bộ

Bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ trong lòng người Nam Bộ (Đạo diễn: Cao Nguyên Dũng) do Hãng phim truyền hình TP.Hồ Chí Minh sản xuất, gồm 4 tập. Nội dung phim không chỉ đề cập về chiến thắng lịch sử này, về hình ảnh của một thành phố Điện Biên Phủ hôm nay mà còn khắc họa rõ nét những đóng góp, hy sinh của quân dân Miền Nam trong chiến dịch Điên Biên Phủ lịch sử, cũng như tình cảm của những người con Nam Bộ thành đồng đối với mảnh đất anh hùng này. Nhân kỷ niệm 64 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, HTV9 trân trọng giới thiệu bộ phim này vào lúc 8g, từ ngày 2/5 đến này 5/5/2018.

Bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp, tướng De Castries, ngày 7/5/1954

Kể từ khoảnh khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 07/05/1954, khi lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castrie, đến nay, chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi qua 64 năm. 

Nhớ lại ngày ấy, Điện Biên Phủ là một thung lũng khá rộng ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, chiều dài khoảng 18km, chiều rộng từ 6 đến 8 km, xung quanh là núi non bao bọc. Dưới con mắt của nhà hoạch định chiến lược quân sự Pháp, tướng 4 sao Henri Navarre - Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương nhận định: "Điện Biên Phủ là một pháo đài bất khả xâm phạm", một địa bàn có giá trị lớn về mặt chiến lược quân sự ở Đông Dương và Đông Nam Á. Nhưng không phải chờ đến tướng Henri Navarre mới có con mắt tinh đời phát hiện ra thế sông, thế núi hiểm hóc dễ bày đặt trận đồ của thung lũng Điện Biên, để rồi biến nơi đây thành căn cứ quân sự độc nhất vô nhị của Đế quốc Pháp thời ấy, hòng nghiền nát chủ lực của ta chỉ trong một trận, mà trước đó, từ năm 1888, thời Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhất, đại tá Pháp Péc-nô đã kéo quân lên Điện Biên, xây dựng căn cứ, thiết lập đường bay Mường Thanh – Hà Nội – Hải Phòng, thực hiện âm mưu chia rẽ sắc tộc, chia rẽ miền núi với miền xuôi để dễ bề thống trị nước ta lâu dài. 

Nhưng vùng rừng núi Tây Bắc hùng vĩ, quê hương của những con người ưa chuộng cuộc sống thanh bình, tự do và khảng khái này đời nào cũng có nghĩa sĩ dựng cờ, thời nào cũng có quân dân cả nước hợp lực đánh thắng cả giặc ngoài, cướp trong để giữ gìn quê hương, đất nước, nên tất cả đều bị đánh đuổi. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Gienève chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây cũng là sự kiện quan trọng ghi dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tướng De Castries, chỉ huy lực lượng Pháp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, và các sĩ quan cao cấp người Pháp ra đầu hàng quân đội Việt Nam vào ngày 7/5/1954

Hơn 6 thập kỷ đã trôi qua, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu được biên soạn, hàng chục cuộc hội thảo được tổ chức, hàng trăm cuốn sách, hàng nghìn bài báo được viết ra, hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật, đủ thể loại từ thơ ca, truyện đến kịch, phim… được xuất bản, dàn dựng, cả ở trong nước và nước ngoài. Nhưng hình như ngần ấy giấy mực, ngần ấy hình ảnh với lời nói vẫn chưa đủ, vẫn chưa xứng với tầm vóc lớn lao, chưa thể bao quát được những câu chuyện muôn mặt của sự kiện đặc biệt này. 

Không chỉ bây giờ mà cả trong tương lai, Điện Biên Phủ vẫn sẽ là một điều gì đó thật sống động, có sức cuốn hút với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội. Phải chăng đó là vì thời gian ngày càng lui xa, nhưng Điện Biên Phủ vẫn luôn luôn là một đề tài thời sự, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn sống, vẫn lan toả mọi lúc, mọi nơi. Phải chăng đó còn là vì ngoài những kiến thức chung, những cảm xúc chung về Điện Biên Phủ, mỗi thế hệ, mỗi nhóm người cũng có những cảm xúc riêng và có nhu cầu được hiểu về Điện Biên Phủ riêng theo sự quan tâm của mình.

Tượng Đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chính Tổng thống Pháp Francois Mitterand, khi đến thăm Điện Biên Phủ vào năm 1994 đã phải thốt lên "Chưa đến Điện Biên Phủ, coi như chưa đến Việt Nam”... Thật vậy, Điện Biên Phủ sau chiến thắng đã trở thành một địa danh lịch sử, một địa chỉ văn hóa lớn, là Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... của thời đại Hồ Chí Minh. Bằng sức sáng tạo và khát khao một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đã biến bãi chiến trường khốc liệt năm xưa thành những cánh đồng tươi tốt, thành những địa danh in đậm dấu ấn lịch sử thu hút khách du lịch từ nhiều nước trên thế giới. 

Sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi sâu theo dòng chảy của thời gian, nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó vẫn còn nguyên vẹn. Trong gian lao kháng chiến, quân dân Nam Bộ vẫn một lòng với Điện Biên Phủ, thì hôm nay, người Nam Bộ, người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đóng góp sức mình cho Điện Biên Phủ ở nhiều góc độ, ở những cương vị công tác khác nhau. Với họ, Điện Biên Phủ không chỉ là kỷ niệm đẹp về một chiến thắng có ý nghĩa thiêng liêng, mà cái chính là mang được tinh thần Điện Biên Phủ vào thời kỳ đổi mới.

Thùy Trang