Dịch bệnh Sởi đang gia tăng ở cả người lớn và trẻ em

TẤN KHOA - VĨNH TIẾN - NGỌC THẠCH - MINH TRÍ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/12/2024, 07:00

(HTV) - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết số ca mắc bệnh sởi ở người lớn thời gian qua gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Tại Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết số ca mắc bệnh sởi ở người lớn thời gian qua gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Hiện đơn vị đang điều trị cho 25 trường hợp, 1/5 trong số đó có biến chứng nặng phải thở oxy. Trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 6 ca mới. Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp mắc bệnh Sởi nhưng lại không biết dẫn đến tiếp cận điều trị trễ.

Anh Nguyễn Văn Bắc ngụ phường 14, Quận 8, TP.HCM chia sẻ: "Lúc đầu sốt, ho nhiều, mệt rồi vào đây khám thì mới biết mình bị Sởi, tưởng tượng như sốt thường thôi, 3 - 4 ngày rồi mình mới chịu nhập viện”.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Hồng Lan - Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết người lớn nếu chưa từng chích ngừa sởi hoặc thời gian lâu, miễn dịch kém thì vẫn có khả năng mắc bệnh Sởi lại và Sởi người lớn cũng có những biến chứng giống trẻ con. Biến chứng thường gặp và gây nặng ở Sởi là viêm phổi.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong tuần 48, số ca mắc Sởi ở Thành phố tiếp tục tăng hơn 58% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó, nhóm tăng nhiều nhất là từ 10 - 14 tuổi và nhóm từ 6 - 9 tháng tuổi. 

Nhóm tăng nhiều nhất là từ 10 - 14 tuổi và nhóm từ 6 - 9 tháng tuổi

Thành phố cũng ghi nhận thêm một trường hợp tử vong là trẻ 12 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin Sởi. Mặc dù Thành phố đang nỗ lực thực hiện chiến dịch tiêm vaccine ngừa Sởi và mở rộng đối tượng chủng ngừa cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Tuy nhiên hiện vẫn có nhiều trường hợp phụ huynh chưa cho trẻ tiêm ngừa Sởi.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cảnh báo: "Đối tượng bệnh nhân nhập viện vào thường là trẻ rất nhỏ, mà trẻ nhỏ mắc Sởi thì biến chứng càng nhiều. Những trẻ sốt cao từ 2,3 ngày kèm theo phát ban thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám xem có phải Sởi không".

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2

Bệnh Sởi dù ở người lớn hay trẻ em thì lây lan chủ yếu vẫn qua đường hô hấp và tiếp xúc với các chất tiết dính trên bề mặt, do đó việc đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân thường xuyên và chích ngừa Sởi vẫn là những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất cho mọi đối tượng. 

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ lây truyền cao, một  người bị có thể lây cho 12 - 15 người, do đó, nếu miễn dịch trong cộng đồng không đạt được trên 95% thì việc ngăn chặn dịch Sởi là điều rất khó khăn.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: