Đề xuất mức giảm sâu hơn thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 21/11/2024, 21:19

(HTV) - Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi vừa được Bộ Tài chính trình lên Quốc hội, một trong những điểm mới là đề xuất bổ sung hoạt động báo chí vào diện ưu đãi thuế.

Theo đó, thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với báo in là 10%, còn đối với các loại hình báo khác ngoài báo in, trong đó có truyền hình là 15%. Bên hành lang quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị cần có mức giảm sâu hơn, để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí có thêm nguồn lực để nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ, phát triển báo chí hiện đại.

Trao đổi với phóng viên HTV, một số đại biểu phân tích: trong số khoảng 800 cơ quan báo chí trên cả nước, số đơn vị tự chủ hoàn toàn và hoạt động có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều cơ quan báo chí cho biết nguồn thu chủ yếu dựa vào quảng cáo. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là khi mạng xã hội phát triển bùng nổ, nguồn thu từ quảng cáo của báo chí và truyền hình sụt giảm rất lớn. Do vậy việc có chính sách ưu đãi thuế là rất cần thiết. 

Ông Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Ông Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: "Việc giảm từ 20% xuống 15% theo tôi là cần thiết, nhưng nếu giảm tiếp xuống còn 10% thì càng hợp lý hơn. Vì thực tế, thu nhập của báo chí không nhiều, dù có hàng trăm cơ sở nhưng tỷ lệ thuế so với các ngành khác, những ngành đã được miễn giảm, thì vẫn khá cao. Báo chí là cơ quan tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, mang thông tin đến người dân. Do đó, nếu đánh thuế như hiện nay thì tôi thấy vẫn quá cao. Mặc dù tôi đồng tình với việc đánh thuế báo chí, nhưng giảm xuống 15% vẫn còn cao, và tôi cho rằng giảm xuống 10% là hợp lý hơn".

Theo số liệu của Bộ Thông tin truyền thông, tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh Truyền hình đã giảm 20% so với năm 2022. Chưa kể trong hai năm đại dịch Covid-19, doanh thu còn giảm mạnh hơn từ 30 - 40%. Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho các cơ quan báo chí đang tự chủ hoặc tự chủ một phần gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Ông Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ: "Để ngành truyền thông, đặc biệt là truyền hình, có điều kiện đầu tư nhiều hơn vào nguồn lực và thiết bị, cần có các chính sách ưu đãi tài khóa phù hợp. Đặc biệt, nên xem xét giảm thuế đến mức tối đa cho ngành truyền hình. Thay vì giảm từ 20% xuống 15%, nên giảm xuống 0% trong khoảng thời gian 5 đến 10 năm, tạo điều kiện cho các đơn vị đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, nhân lực và trang thiết bị hiện đại".

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ: "Từ quảng cáo đến tất cả các mặt, chúng ta chủ yếu quản lý báo chí chính thống.Tuy nhiên, trong bối cảnh thông tin bùng nổ hiện nay, chúng ta cần phải quản lý chặt chẽ hơn. Khi Đài Truyền hình muốn thực hiện một chương trình, họ phải phê duyệt và đóng thuế đầy đủ. Nhưng hiện nay, chỉ cần mượn một chiếc máy quay trong một phòng và livestream là có thể tiêu thụ thông tin như chương trình chính thống. Vấn đề là chúng ta cần quản lý thuế sao cho đúng".

 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: