Nông nghiệp ứng phó hạn mặn

THU HIẾU - TẤN LỘC - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 31/3/2024, 17:00

(HTV) - Trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, sản xuất nông nghiệp đi kèm với việc lo chống hạn không còn là vấn đề mới ở nhiều quốc gia.

Lấy ví dụ vùng sản xuất nông nghiệp ở Chanthaburi, Thái Lan có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tương đồng với vùng Tây Nguyên của Việt Nam, để đủ nước tưới trong mùa khô hạn thì mỗi nông trại ở nước này dành ít nhất 15% đất sản xuất làm hồ tích nước. Tuy nhiên, tỉ lệ này ở Việt Nam chỉ từ 5 - 7%. Lâu nay, các nhà vườn buộc phải cầm cự, thích nghi bằng các giải pháp tiết kiệm nước tối đa, tận dụng các nguồn nước có sẵn tại nội đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt chống hạn cho cây trồng.

Để đủ nước tưới cho 15 hecta quýt đường, nông trại C FARM, Bình Dương phải đào hồ chứa nước 1.000m2. Những ngày nắng nóng kéo dài, lượng nước tưới cần tăng gấp đôi, thậm chí là gấp 3 đối với 7 hecta quýt đang trong giai đoạn nuôi trái. Chị Lâm Thị Mỹ Tiên - chủ nông trại C Farm cho biết, mỗi ngày phải tưới 1 lần 1 tiếng/hecta.

Để đủ lượng nước cho sản xuất; cần phải đưa ra nhiều giải pháp tiết kiệm, tận dụng nguồn nước sẵn có

Để đủ nước sinh hoạt và sản xuất, những ngày qua, các trạm bơm chính đặt ở đầu nguồn các sông lớn như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đều tăng tần suất đo mực nước và theo dõi thủy triều. Ông Đinh Xuân Hòa (Trưởng Trạm Bơm Hóa An, Nhà máy Nước Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Thủy triều thấp thì Tổng Công ty Cấp nước và Trạm bơm Hóa An sẽ có báo cáo liên lạc với Nhà máy thủy điện Trị An xả nước để tăng nước ngọt cung cấp. Ở vị trí này rất thuận lợi đảm bảo độ mặn nước không vượt ngưỡng.”

Ông Đinh Xuân Hòa - Trưởng Trạm Bơm Hóa An, Nhà máy Nước Thủ Đức, TP.HCM trả lời phỏng vấn

Cùng chia sẻ giải pháp ứng phó tức thời, “Nước mặn nặng hơn nước ngọt nằm tầng dưới thì khi dòng chảy hiện nay phía dưới là nước mặn phía trên là nước ngọt. Chúng ta vẫn lấy được tầng mặt trong điều kiện hiện nay. Vậy thì nông dân có thể tham gia các nhóm cộng đồng sản xuất, phối hợp chính quyền để nắm thông tin, thường xuyên cập nhật lịch điều tiết nước của các cơ quan nhà nước vì dụ cống Cái Lớn, Cái Bé của Đồng bằng Sông Cửu Long hoặc lịch xả nước của hồ thủy điện để bơm nước.”, là ý kiến của Tiến sĩ Trần Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác (Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp - Phát triển nông thôn II).

Biến đổi khí hậu khiến cho mùa khô ngày càng khắt nghiệt, ảnh hưởng đến mùa vụ, năng suất cây trồng. Nam Bộ - vùng sản xuất nông sản - lương thực lớn nhất cả nước cần kết hợp đồng bộ giải pháp công trình thủy lợi và thay đổi tập quán sản xuất. Theo kinh nghiệm của chị Lâm Thị Mỹ Tiên, khi nắng hạn nhiều thì tưới cây buổi sáng từ 9 đến 10 giờ, chiều từ sau 15 giờ để đất ngậm nước và không ảnh hưởng bộ rễ nhiều.

Các chuyên gia đề xuất khu vực Nam Bộ sớm đưa vào triển khai kết hợp đồng bộ giải pháp công trình thủy lợi và thay đổi tập quán sản xuất

Hiện nhiều tỉnh thành đã xây dựng thành công bản đồ nông hóa thổ nhưỡng. Thông qua phân tích mẫu đất trong 1,5 mét tính từ bề mặt, các chuyên gia có thể đưa ra khuyến cáo về phương pháp canh tác, nước tưới, loại cây trồng vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng. Giải pháp quy hoạch kết hợp với ứng phó chủ động của nông hộ sẽ phần nào giảm tác động của hạn mặn lên năng suất cây trồng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: