Cần có khuôn khổ pháp lý vững chắc, khai thác tốt thị trường tài sản số

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 5/12/2024, 16:23

(HTV) - Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển công nghệ blockchain, fintech, tài sản số và cần có những quy định để các lĩnh vực này phát triển bền vững.

Những nhận định trên đến từ các chuyên gia tại Diễn đàn với chủ đề “Toàn cảnh tương lai ngành công nghệ và tài chính” trong khuôn khổ Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 do Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI và Tập đoàn FPT tổ chức.

Theo thống kê, Việt Nam hiện đang đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người dùng và hàng năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam. Điều này cho thấy sự quan tâm và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính số trong nước. Các công ty khởi nghiệp, tập đoàn lớn, các nhà đầu tư trên toàn thế giới cũng không ngừng nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ.

Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 

Bà Gracy Chen - CEO Của Công ty Bitget And Bitexc nhận định: Với hơn 21% dân số sở hữu tài sản kỹ thuật số, đây là một khu vực nổi bật về mức độ chấp nhận tiền điện tử. Theo thống kê, doanh thu từ phân khúc tiền điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ đạt một tỷ USD vào năm 2024, với doanh thu trung bình ước tính trên mỗi người dùng là 64,4 USD . Tuy nhiên, người dùng cần phải cẩn trọng với các rủi ro giá cả của các tài sản số hoặc việc bảo mật thông tin. 

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 4 thị trường giao dịch tài sản số sôi động nhất thế giới, tuy nhiên, trong khi tài sản hữu hình được quản lý qua biên giới và hải quan thì tài sản số không bị ràng buộc bởi địa lý, do đó dễ dàng bị chuyển ra nước ngoài nếu Việt Nam không sớm xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để quản lý và phát triển. Bên cạnh đó sẽ là một tư duy quản lý mới để các doanh nghiệp công nghệ có thể có đóng góp tích cực vào kỷ nguyên mới của đất nước.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, hiện nay chúng ta đang đứng trước hai lựa chọn: Một là để thị trường tài sản số phát triển tự do, không có bất kỳ quy định nào, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát. Hai là xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để quản lý thị trường này.

Các diễn giả tham gia diễn đàn cũng tin tưởng rằng, với việc Chính phủ đã đề xuất mô hình "sandbox" – một môi trường thử nghiệm có kiểm soát cho các công nghệ mới sẽ là bước tiến quan trọng. Qua đó vừa thúc đẩy sự sáng tạo, vừa đảm bảo quản lý rủi ro, hướng tới một nền tài chính toàn diện và bền vững trong kỷ nguyên số.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: