Cải lương – Hành trình 100 năm giữ gìn bản sắc Nam Bộ

Kim Quyên 6/9/2021, 09:00

Được xem là “đặc sản” của vùng đất Nam bộ, nghệ thuật truyền thống cải lương đã trải qua biết bao thăng trầm trên hành trình phát triển, để đến nay, bộ môn nghệ thuật này vẫn sống trong lòng những người mộ điệu TP.HCM.

Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, từ những người đặt nền móng đầu tiên đến nay, nghệ thuật cải lương đã trở thành một biểu tượng về nghệ thuật của người dân vùng đất Nam Bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Có thể nói cải lương là một thể loại nghệ thuật độc đáo mà chỉ khi đến Việt Nam, khán giả khắp nơi mới có cơ hội được thưởng thức, để rồi khi nhìn lại hành trình đã qua, ta không khỏi trầm trồ, thán phục với những giá trị văn hóa mà bộ môn nghệ thuật này đã tạo dựng.

Bằng những tâm huyết và tình cảm thiêng liêng dành cho nghệ thuật cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tổ chức khánh thành phòng truyền thống giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý về quá trình hình thành và hoạt động của nhà hát, cũng như sự phát triển của cải lương qua các thời kỳ. Đó cũng là câu chuyện mà chuyên mục Sắc màu thành phố trong chương trình Tạp Chí Văn Nghệ gửi đến quý khán giả.

Với hơn 200 bức ảnh và nhiều hiện vật quý được các nghệ sĩ Đoàn cải lương Nam Bộ và Đoàn Văn công Giải phóng (tiền thân của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) trao tặng, phòng truyền thống Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là nơi lưu giữ những tư liệu quý giá về chặng đường phát triển đã qua của cải lương, về dấu ấn của vùng đất Nam Bộ đã điểm tô lên thể loại nghệ thuật này, chân chất, mộc mạc như chính tính cách của con người vùng đất Cửu Long. Điệu xàng xê liu cống trải suốt trăm năm vẫn réo rắt với những người nghệ sĩ miệt mài mang lời ca, ý nhạc đến khắp muôn phương, giúp cho cải lương đến gần hơn với mọi người.

Nổi bật trong số đó là các kịch bản được viết tay và đánh máy của các vở diễn kinh điển một thời như: Hồn chinh phụ, Yêu trên xóm biển, Lá ngọc cành vàng, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu,… cùng các huy chương, các bộ phục trang, nhạc cụ, các tập sách giá trị về nghệ thuật cải lương. Đặc biệt là kịch bản viết tay của cố soạn giả Trần Hữu Trang do con trai ông - tác giả Việt Thường trao tặng.

Dưới góc nhìn của lăng kính Sắc màu thành phố, những giá trị văn hóa lâu đời hiện lên đầy gần gũi, song không kém phần tinh tế, sâu lắng. Mang đến một chương trình về nghệ thuật truyền thống, Sắc màu thành phố không chỉ giới thiệu đến các khán giả một không gian lưu giữ và trưng bày độc đáo, mà còn mang ý nghĩa khơi gợi ở thế hệ trẻ tình yêu đối với nghệ thuật dân tộc, niềm tự hào của một nền văn hóa lâu đời xuất phát từ câu hò, điệu lý, để các bạn trẻ thêm yêu, thêm trân quý hồn thiêng của nghệ thuật nước nhà.

Mời quý khán giả chiêm ngưỡng hình ảnh một số tư liệu quý giá được trưng bày tại phòng truyền thống Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được ghi lại qua chuyên mục Sắc màu thành phố:  

Đón xem Tạp chí văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7, phát lại - 9g00 thứ Sáu trên kênh HTV9.

Ý kiến của bạn: