Các hồ nước trên thế giới bị thu hẹp do biến đổi khí hậu và hoạt động của con người

MAI LAN - MẠNH LINH - NHẬT MINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 20/5/2023, 17:21

Nghiên cứu của tạp chí Science chỉ ra rằng, do tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi mục đích sử dụng nước trong xã hội, nhiệt độ nước đã tăng lên, dẫn đến việc các hồ nước trên toàn cầu mất đi hàng chục ngàn tỷ lít nước mỗi năm từ những năm 1990.

Việc nghiên cứu gần 2.000 hồ nước lớn nhất thế giới đã cho thấy chúng ta đang mất đi 21.500 tỷ lít nước mỗi năm. Điều đó có nghĩa là từ năm 1992 đến năm 2020, thế giới đã mất đi lượng nước tương đương với 17 hồ Mead - hồ chứa nước lớn nhất nước Mỹ ở bang Nevada với dung tích 32 tỷ mét khối. Điều này cũng tương đương với lượng nước mà toàn bộ nước Mỹ đã sử dụng trong năm 2015.

Hồ Aral Sea nằm giữa Kazakhstan và Uzbekistan. Ảnh: AP

Theo nghiên cứu, ngay cả các hồ nằm ở những khu vực có mưa nhiều hơn cũng đang gặp khó khăn về nước. Nguyên nhân là do bầu khí quyển khô hơn, không khí ấm hơn sẽ hút nhiều nước hơn trong quá trình bốc hơi, và xã hội đang thiếu nước đã chuyển nước từ các hồ sang cho nông nghiệp, các nhà máy điện và các nguồn cấp nước sinh hoạt.

Hồ Powell ở bang Utah, Mỹ. Ảnh: AP

Các chuyên gia đã trích dẫn một lý do thứ ba được cho là có yếu tố tự nhiên hơn, là lượng nước suy giảm do thay đổi mô hình mưa và dòng chảy của sông. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu.

Hoạt động thủy điện tại Hồ Powell ở bang Utah, Mỹ. Ảnh: AP

Việc các hồ cạn bớt nước không đồng nghĩa với việc các khu vực sẽ thiếu nước sinh hoạt đột ngột. Thậm chí, điều này có thể đưa đến việc cạnh tranh nguồn nước hồ dữ dội hơn, vì nguồn nước này cũng được sử dụng cho thủy điện và nhiều hoạt động khác.

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: