“Việt hóa” giúp phim truyền hình khởi sắc hơn

Phản hồi tích cực của khán giả dành cho một số phim có kịch bản “Việt hóa” được xem là đã góp phần giúp phim truyền hình Việt khởi sắc hơn.

Phim "Bố là tất cả" và "Gạo nếp gạo tẻ" được phát sóng trên HTV

Khoảng hơn 10 năm trước, đã từng “nở rộ” xu hướng “Việt hóa” kịch bản phim nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự thất bại của nhiều bộ phim đã khiến xu hướng này nhanh chóng thoái trào. Nhưng từ năm ngoái đến nay, phim có kịch bản “Việt hóa” có xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan… liên tục được phát sóng trên các kênh truyền hình lớn. Có thể kể như: Gia đình là số 1 (280 tập), Gia đình vui nhộn (100 tập), Cả một đời ân oán (75 tập), Bố là tất cả, Gạo nếp gạo tẻ ( 80 tập), Glee, Ngày ấy mình đã yêu…Ngôi sao khoai tây (bắt đầu phát sóng từ 27/7 trên HTV7). 

Tập trung vào đề tài chính là các vấn đề trong gia đình, hôn nhân, sự nghiệp, tình yêu, có khá nhiều phim trong số này đã đạt mức rating (chỉ số người xem) và doanh thu quảng cáo rất cao trên sóng truyền hình, tạo được những “cơn sốt” cũng như sự đột phá về tiếp thị và quảng bá phim truyền hình trên các phương tiện truyền thông mạng. 

Ở thời điểm này đang có Mối tình đầu của tôi chuẩn bị lên sóng, hay Hậu duệ mặt trời chuẩn bị bấm máy… Điểm chung của tất cả các phim “Việt hóa” là đều có phiên bản gốc “ăn khách” và gây được tiếng vang ở nước sở tại, ví như Bố là tất cả là bộ phim đạt giải Phim truyền hình xuất sắc nhất tại giải thưởng Văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, và còn được 13 đề cử, 9 giải thưởng cho nhiều hạng mục từ diễn viên đến kịch bản. 

Trước hiệu ứng khả quan của nhiều phim truyền hình có kịch bản “Việt hóa” thời gian qua, từng có nhiều ý kiến lo ngại dòng phim này sẽ lấn át các dòng phim khác. Nhưng trong thời điểm phim truyền hình Việt nói chung đang gặp khó khăn thì nên có cái nhìn tích cực với những gì mà phim “Việt hóa” đã làm được, góp phần lôi kéo khán giả trở lại xem phim. 

Cảnh trong phim "Ngày ấy mình đã yêu"

Theo một số nhà biên kịch kỳ cựu thì hiện nay khán giả xem phim tập trung hơn vào yếu tố kịch bản, cần những câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ. Tuy nhiên, người viết kịch bản đáp ứng được yêu cầu này ở Việt Nam hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi nhu cầu sản xuất phim rất cao. Một lý do khiến phim truyền hình Việt Nam thiếu vắng những kịch bản hay còn là bởi việc đào tạo biên kịch phim truyền hình chưa chuyên nghiệp. Đa số các đơn vị sản xuất phim đều phải “ăn đong”, không chủ động được nguồn kịch bản dồi dào.

Có thể nói, việc đi mua kịch bản ngoại “ăn khách” về “Việt hóa” là xu hướng tất yếu của phim Việt hiện nay và trong tương lai, như ở nhiều nước khác. Nhưng trên thực tế, không dễ dàng cứ bê nguyên xi kịch bản gốc mà đưa vào làm phim Việt. Bởi từ cốt truyện chính của phiên bản gốc, các biên kịch phải lồng vào đó những câu chuyện của người Việt, suy nghĩ, tính cách của người Việt thì mới thu hút được khán giả. 

Sự thành công của phim “Việt hóa” còn phụ thuộc vào tính phát hiện đề tài của nhà sản xuất, khả năng tiếp cận vấn đề của đạo diễn, trình độ diễn xuất của diễn viên và cả yếu tố may mắn. Nghĩa là bên cạnh kịch bản thì phim “Việt hóa” vẫn cần có sự đầu tư đáng kể để có được chất lượng tốt về mọi mặt từ đạo cụ, bối cảnh, trang phục, kỹ thuật quay, sức hút và diễn xuất của dàn diễn viên…Nếu không làm tốt được những việc này, khả năng thất bại là rất cao – một nhà sản xuất phim “Việt hóa” từng nhận định. 

Bởi vậy, trong khi nhiều bộ phim truyền hình Việt sản xuất với kinh phí trung bình 200 triệu đồng/tập/45 phút thì nhà sản xuất Điền Quân M & E cho biết, đã phải bỏ ra gần 50 tỷ đồng (khoảng 250 triệu đồng/ tập/30 phút) cho 208 tập phim Gia đình là số 1 (phát sóng trên HTV7 trong năm 2017). Các bộ phim “Việt hóa” khác như Mối tình đầu của tôi, Ngôi sao khoai tây, Người phán xử… cũng có kinh phí sản xuất cao hơn nhiều so với phim truyền hình Việt cùng thể loại. 

Cảnh trong phim "Gia đình là số 1" đã được phát sóng trên HTV7

Tóm lại, “Việt hóa” chỉ phần nào giải quyết được vấn đề kịch bản, còn lại vẫn đòi hỏi sự sáng tạo nhiều mặt ở đội ngũ làm phim truyền hình. Đông đảo khán giả thường không mấy quan tâm đến việc phim được làm từ kịch bản “Việt hóa” hay thuần Việt, nên muốn giữ chân được họ xem phim hằng ngày thì cần phải có nhiều bộ phim hấp dẫn và chất lượng. Đấy mới thực sự là thách thức lớn với các nhà làm phim Việt. 

Hương Thủy