Trò chơi truyền hình: Vượt qua thách thức

Trò chơi truyền hình (gameshow, truyền hình thực tế) đề cập đến đủ các vấn đề xã hội, đời sống, văn hóa, giải trí. Bởi vậy, thể loại này cần phải tìm ra hình thức thể hiện cho mới lạ, hấp dẫn đông đảo khán giả để có thể đi qua nhiều mùa phát sóng.

Cảnh trong chương trình "Đùa như thật" (đã phát sóng trên HTV7)

Năm ngoái, trò chơi truyền hình nổi bật xu hướng kết hợp nhiều lĩnh vực trong một chương trình để tăng sức hấp dẫn với đa dạng đối tượng khán giả. Từ đó ra đời một số chương trình mới như: Đấu trường võ nhạc kết hợp võ thuật và âm nhạc; Khúc hát se duyên, Giai điệu chung đôi kết hợp hẹn hò mai mối thông qua âm nhạc; Duyên dáng Bolero kết hợp thi ca hát và thi nhan sắc; Ẩm thực kỳ duyên – kết hợp giữa nấu ăn, ẩm thực và mai mối hẹn hò. Một số chương trình cũ như: Hát mãi ước mơ cũng kết hợp giữa âm nhạc và từ thiện để làm mới và lan tỏa sâu rộng hơn chất nhân văn đến xã hội. 

Bên cạnh đó, từ hiệu ứng khán giả rất tốt của Bạn muốn hẹn hò đã có thêm nhiều chương trình với chủ đề mai mối, hẹn hò với hình thức thể hiện đa dạng, phong phú như: Đại chiến kén rể, Lựa chọn trái tim, Mảnh ghép tình yêu, Yêu là cưới, Đúng là một đôi, Phiên tòa tình yêu, Cho phép được yêu, Anh chàng độc thân... Ngoài ra, còn có một số chương trình mới như: Khi đàn ông có bầu, Nhanh như chớp, Đêm tiệc cùng sao, 5 vòng vàng kỳ ảo, Bước ra ánh sáng, The debut, Giọng ca bất bại, Hành trình lột xác, Cha mẹ thay đổi, Bộ ba siêu đẳng, Im lặng là vàng… được mua bản quyền từ nước ngoài, có định dạng và cách thức thể hiện mới lạ, dàn dựng hoành tráng và thậm chí ứng dụng công nghệ.

"Im lặng là vàng" (phát sóng trên HTV7) được đánh giá là làn gió mới của trò chơi truyền hình 

Đặt trong bối cảnh phim truyền hình mới có dấu hiệu khởi sắc trở lại, trò chơi truyền hình nói chung vẫn chiếm vị trí chủ yếu trong các khung giờ vàng dành cho giải trí của các kênh truyền hình lớn. Tuy nhiên, có thể thấy trò chơi truyền hình hẹn hò bùng lên như một hiện tượng nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn. Trong khi đó, một số chương trình thi tài năng ca hát, nhảy múa phải dừng sản xuất vì nhiều lí do khách quan, chủ quan. Không ít chương trình mua bản quyền ở nước ngoài từng rất đình đám ở các mùa trước, nhưng mùa phát sóng năm sau lại giảm nhiệt, thậm chí chìm nghỉm. 

Ngoài ra, trò chơi truyền hình còn chịu sự chia sẻ khán giả, khi đang có xu hướng đổ xô theo dõi các chương trình giải trí qua Facebook và YouTube. Hiện tại, đa số mọi người đều dùng điện thoại thông minh và hay truy cập vào các ứng dụng trên đó nên trò chơi trực tuyến trên Facebook có lợi thế hơn. Trò chơi truyền hình thì khán giả ở nhà xem người khác chơi chứ ít được tự mình trải nghiệm, còn trò chơi trực tuyến thì ai cũng có thể tham gia được và xem mình là một cá thể trong chương trình. Chính vì vậy, đế đáp ứng thị hiếu đa dạng của khán giả và tránh sự nhàm chán, thị trường trò chơi truyền hình phải liên tục dịch chuyển về mặt nội dung, format cũng như tìm ra hình thức thể hiện cho mới lạ, sáng tạo và hấp dẫn, cũng như nâng cao chất lượng. 

Top 15 thí sinh của "Nữ hoàng quyến rũ" (đang phát sóng trên HTV7) 

Từ đầu năm 2019 đến nay, bên cạnh các trò chơi truyền hình cũ như: Ban nhạc Việt, Giác quan thứ 6, Việt Nam Next Top Model, Người bí ẩn, Nhanh như chớp nhí,  Úm bala ra chữ gì, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Lựa chọn của trái tim, Siêu bất ngờ… vẫn nối nhau lên sóng nhờ tạo được thiện cảm nơi khán giả, thị trường xuất hiện một số chương trình mới có nội dung đơn giản, vui vẻ được mua bản quyền từ Hàn Quốc, Thái Lan… hay thuần Việt. Đó là Lô tô show - Gánh hát ngàn hoa, Ký ức vui vẻ, Đùa như thật, Ô hay gì thế này, Giải mã tri kỷ, Kẻ thách thức, Người ấy là ai, Nữ hoàng quyến rũ đều hứa hẹn ít nhiều tạo được làn gió mới cho thị trường trò chơi truyền hình hiện nay. 

Trong đó, Chạy đi chờ chi (phát sóng trên HTV7 từ tháng 4/2019) – phiên bản Việt hóa của Running Man (Hàn Quốc) với sự tham gia của các nghệ sĩ là Trấn Thành, BB Trần, Ninh Dương Lan Ngọc, Ngô Kiến Huy, Trương Thế Vinh, Jun Phạm và Liên Bỉnh Phát – ngoài đậm chất bản sắc Việt, còn thông qua những trò chơi hài hước, những cuộc vận động giữa lòng thành thị gửi thông điệp: “Hãy cứ tận hưởng cuộc sống mỗi ngày. Hãy mạnh dạn làm điều mình thích và thật vui vẻ” đến đông đảo khán giả. 

Chương trình "Chạy đi chờ chi" sắp lên sóng HTV7

Còn Nữ hoàng quyến rũ - Glamour queen (đang phát sóng trên HTV7) là chương trình truyền hình thực tế nhằm tìm kiếm các gương mặt đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ thế hệ mới: nữ tính - thông minh - tự tin - năng động, thử sức với những điều mới lạ, để tham gia các hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam và Nhật Bản. Các thí sinh còn độc thân tuổi từ 15 - 28 sẽ phải vượt qua nhiều thử thách như diễn xuất, thể thao, khiêu vũ, thời trang, các hoạt động nhóm, thử thách kiến thức xã hội, đời sống ở các vòng thi để có thể giành chiến thắng chung cuộc. 

Được biết, để tăng sự thu hút của mọi người, đã có kha khá trò chơi truyền hình chọn hình thức phát sóng lại hoặc cùng lúc trên mạng trực tuyến, đồng thời dành thời lượng để khán giả xem truyền hình có thể tương tác với chương trình cho phù hợp với xu thế công nghệ truyền thông. Hi vọng là năm nay bức tranh toàn cảnh của trò chơi truyền hình sẽ có nhiều hơn gam màu sáng, và loại hình giải trí này vẫn chứng tỏ được vị thế trong lựa chọn của đông đảo khán giả xem truyền hình.

Thủy Hương