Tranh luận về quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ

KIM KHÁNH - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 22/11/2023, 19:48

(HTV) - Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Các đại biểu đã có nhiều ý kiến và tranh luận xung quanh quy định "Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ".

Một số đại biểu cho rằng, quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Giang cho biết: "Tòa án là cơ quan xét xử, khác với trách nhiệm chứng minh tội phạm của cơ quan điều tra, công tố. Trong vụ án hình sự, Tòa án thu thập chứng cứ xong lại xét xử theo chứng cứ do mình thu thập thì có thể dẫn tới không coi trọng những nguồn chứng cứ khác do bên gỡ tội cung cấp, sẽ ảnh hưởng tới tính khách quan trong quá trình xét xử".

Tuy nhiên, từ phân tích thực tiễn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa và đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu tranh luận cho rằng, vẫn cần thiết quy định Tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo sự khách quan của vụ án, để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên.

"Rất nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ. Hai là khi nói thu thập chứng cứ, mỗi bên đều thu thập chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi. Chính vì vậy người ta mới tìm đến tòa, vì tòa là ông Bao Công. Chỉ có tòa mới ra lệnh được ngân hàng cung cấp thông tin này, cơ quan khác cung cấp thông tin kia, để tòa có chứng cứ khách quan toàn bộ của vụ án, từ đó, Tòa ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên", Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu: "Trình độ dân trí, ý thức pháp luật và hiểu biết pháp luật, nhất là người lao động hiện nay còn nhiều hạn chế. Cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết yêu cầu của người dân. Theo báo cáo của Tòa án, hiện nay chỉ có 8,15% các vụ có người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi. Việc để người dân tự thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, cá nhân, là một thách thức với người dân, vì người dân không đủ điều kiện, năng lực, cơ chế yêu cầu cơ quan nhà nước".

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM 

Tiếp tục tranh luận về vấn đề này, Đại biểu Lê Thanh Phong, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đồng tình với dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, quy định này phù hợp với việc tiếp tục cải cách tư pháp theo hướng tranh tụng và xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Lê Thanh Phong, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM 

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ chỉnh lý quy định theo hướng khi có yêu cầu của người dân, cả bên nguyên và bên bị nếu không thể thu thập chứng cứ thì Tòa án hỗ trợ bằng các quyết định giao nộp chứng cứ. Các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân. Nếu các bên không chấp hành lệnh của Tòa án thì sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành.

Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp sau.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: