Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và nhân sự cho chương trình giảm nghèo bền vững

HỒNG DIỄM - VŨ TUYÊN - HỒ ĐỨC - XUÂN HẠO - MINH KHÔI // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 25/7/2023, 18:38

(HTV) - Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ghi nhận TP.HCM có 58.019 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,29% trên tổng số hộ dân.

Đến cuối năm 2022, thành phố giảm 25.877 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đạt 44,6% kế hoạch. Hiện thành phố còn lại 39.381 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,55% tổng hộ dân.

Tuổi đã cao, nhưng vợ chồng bà Huỳnh Kim Dung (ngụ tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) vẫn là lao động chính trong gia đình, khi người con lớn bệnh nặng, phải chạy thận, người con thứ hai thì đang học nghề. Với bà, 50 triệu đồng vay được từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Củ Chi, là sự hỗ trợ rất lớn để duy trì sinh kế lo cho các con. 

Bà Huỳnh Kim Dung nhận khoản vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Củ Chi

Có chồng bị suy thận nặng, nhưng khó khăn đối với bà Nguyễn Bích Vân (ngụ tại Phường 15, Quận 10) cũng tạm vơi đi nhờ vào sự hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo của địa phương và sự hỗ trợ, chăm lo từ các ban ngành đoàn thể, khu phố, mạnh thường quân. 

Bà Nguyễn Bích Vân ngụ tại Phường 15, Quận 10, TP.HCM

Tính đến cuối năm 2022, 7/14 phường của Quận 10 đã hoàn thành chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Dự kiến đến hết năm 2023, 14/14 phường trên địa bàn quận hoàn thành chương trình này, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch.

"Đã có rất nhiều mô hình được triển khai, nhưng Quận 10 tâm đắc nhất là mô hình hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hộ nghèo. Vì qua đó, người dân có cần câu để phát triển. Những hộ khó khăn hơn, Đảng bộ Quận 10 sẽ phân công cho các cấp ủy đảng, cơ sở đảng sẽ hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể, đỡ đầu cho cả 3 năm", ông Bùi Thế Hải - Phó Chủ tịch UBND Quận 10 cho biết.

Để có được niềm vui lớn lao của bà con khó khăn, đó là sự nỗ lực rất lớn của những người làm công tác giảm nghèo. Bởi thiếu hụt nhân lực và nguồn vốn vẫn là thách thức không nhỏ cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP.HCM.

 Mục tiêu đến cuối năm 2025, cơ bản TP.HCM không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, dưới 0.5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố

Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM nhận định: "Để giải quyết khó khăn này, Nghị quyết 98 của Quốc hội được thông qua. Trên cơ sở đó TP.HCM cũng quyết liệt, trong kỳ họp HĐND này thông qua chính sách đặc thù cho TP.HCM. Trong đó sẽ bố trí nhân sự cho xã, góp phần giảm áp lực cho nhân sự làm công tác giảm nghèo, bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay kịp thời".
TP.HCM đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, sổ sung một số điều của Nghị quyết 13 năm 2020 của HĐND TP.HCM quy định các tiêu chí, điều kiện, các mức cho vay hỗ trợ

Dựa trên cơ sở Nghị quyết 98 của Quốc hội, tại kỳ họp vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, sổ sung một số điều của Nghị quyết 13 năm 2020 của HĐND TP.HCM quy định các tiêu chí, điều kiện, các mức hỗ trợ. Nhờ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, trong năm 2023, 2.796 tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ được bổ sung, bố trí cho hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM chia sẻ với Phóng viên HTV

"Trước đó có 14.000 hồ sơ của hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo tồn đọng tại các ngân hàng chính sách xã hội quận huyện, TP.HCM chưa có nguồn vốn để bố trí do một số điều kiện vướng cơ chế. Do đó khi chúng ta ban hành Nghị quyết thì 14.000 hồ sơ đó được giải ngân. Không chỉ 14.000 hồ sơ đó mà một thời gian do chưa có nguồn vốn một số ngân hàng chính sách xã hội quận, huyện tạm ngưng nhận hồ sơ của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo. Do đó khi chúng ta có nguồn vốn 2.700 tỷ bổ sung cho năm 2023, ngoài việc tập trung giải ngân 14.000 hồ sơ, các ngân hàng chính sách xã hội quận, huyện sẽ tiếp tục nhận hồ sơ của các hộ, giải quyết việc làm. Qua đó tạo tích cực cho chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025", ông Cao Thanh Bình đánh giá. 

Cần tiếp tục rà soát, xét duyệt các trường hợp đã nộp hồ sơ và chi hỗ trợ cho người dân nhanh chóng, kịp thời

Như vậy, những cơ chế thuận lợi để đẩy mạnh hiệu quả của chương trình giảm nghèo bền vững đã có. Điều quan trọng lúc này là các địa phương cần đẩy mạnh tiếp nhận các hồ sơ mới, chủ động rà soát, xét duyệt các trường hợp đã nộp hồ sơ và chi hỗ trợ cho người dân nhanh chóng, kịp thời. Có như thế, tinh thần nhân văn của Nghị quyết mới thực sự lan tỏa.

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Cách đây 50 năm, Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, táo bạo, với khí thế "Một ngày bằng 20 năm", đã diễn ra trong 5 ngày lịch sử, kết thúc bằng chiến thắng vang dội, thống nhất đất nước.
(HTV) - Sau đợt bán tháo kéo dài, tâm lý lạc quan trên thị trường vàng suy yếu rõ rệt. Giá xăng dầu thế giới bắt đầu tuần mới trong sắc xanh. Giá xăng dầu trong nước sẽ giữ ổn định trong tuần.
(HTV) - Căn nhà có hầm bí mật tại 119/1/2 Gò Vấp từng là căn cứ cách mạng trọng yếu, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Nay, di tích này là "địa chỉ đỏ", lưu giữ và lan tỏa truyền thống yêu nước, mưu trí của cha ông trong kháng chiến.
(HTV) - Ngày 26/4, tại lễ hội đường phố Lapu Lapu Day ở Vancouver, một chiếc xe SUV đã lao vào đám đông, khiến nhiều người chết và bị thương, theo truyền thông Canada. Số lượng thương vong chính xác hiện chưa được xác định.
(HTV) - Công ty Cổ phần Cơ điện Liên Thành Việt Nam LITHACO) vừa kết hợp cùng tập đoàn công nghệ HUAWEI tổ chức hội thảo chuyên đề "Điện Mặt Trời Thế Hệ Tiếp Theo".
(HTV) - UBND Quận 10, TP.HCM tổ chức Lễ khởi công công trình sửa chữa, cải tạo Trường Mầm non Măng non III (đường Trần Nhân Tôn, Phường 2) với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng.
(HTV) - Sáng 27/4, TP.HCM đã diễn ra Chương trình tổng duyệt cấp Nhà nước diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại đường Lê Duẩn, Quận 1.