Tham vấn quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

KIM KHÁNH - NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 28/2/2024, 22:00

(HTV) - Tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận, đồ án quy hoạch TP.HCM đã được chuẩn bị công phu, khoa học. Hiện nay, các cơ sở về chính trị, pháp lý, các quy hoạch chung liên quan cơ bản đã hoàn thành, đây là cơ sở cho thành phố khi xây dựng quy hoạch có thể lồng ghép, tích hợp một cách đồng bộ để tạo ra một không gian mới, động lực mới và những giá trị mới cho thành phố.

Toàn cảnh buổi tham vấn

Nêu rõ những đặc thù của TP.HCM là một đô thị đặc biệt, là đầu tàu của cả nước, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích, nhưng đóng góp gần 20% GDP, 25% thu ngân sách cả nước… Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, sự phát triển của thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng. Vai trò dẫn dắt của thành phố đối với vùng và cả nước đang có chiều hướng suy giảm. Do đó, Bộ trưởng gợi mở nhiều vấn đề quan trọng cần thảo luận, cho ý kiến, trong đó có việc xác định trọng tâm, trọng điểm của quy hoạch.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu: "Cho ý kiến về xác định các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết của thành phố hiện nay là gì, các khâu đột phá trong phát triểnTP.HCM trong thời kỳ quy hoạch. Đây là vấn đề rất quan trọng. Liệu các vấn đề trọng tâm cần giải quyết đã được xác định hợp lý chưa. Nội dung, nội hàm các đột phá đề ra trong dự thảo quy hoạch đã đủ mạnh, mang tính đột phá chưa, để tương xứng với sự phát triển đầy tham vọng của TP.HCM". 

Phát biểu trước phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định nhận thức, quyết tâm của TP.HCM trong việc xây dựng quy hoạch. Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, quy hoạch phải làm sao để nhận diện hết các điểm nghẽn, hạn chế của TP.HCM hiện nay và khai mở hết tiềm năng, động lực để có thể đảm đương được các vai trò của mình. Bên cạnh đó, cũng phải thực hiện quy hoạch đặt trong bối cảnh liên kết vùng và hợp tác quốc tế. 

Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM

Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "TP.HCM không chỉ làm việc này cho thành phố và cũng không tự làm một mình được, mà chúng tôi phải làm trong liên kết vùng, trước hết với Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đặt nó trong bối cảnh chung của Việt Nam trong hợp tác, cạnh tranh quốc tế. Chúng tôi cũng rất quan tâm hợp tác quốc tế. Tức là ở đây chúng ta không chỉ quan tâm vai trò của TP.HCM trong điều phối vùng hay Việt Nam mà trong Đông Nam Á, Châu Á, chúng ta có thể xác lập vai trò trong sự phối hợp với các đô thị lớn".

Theo Báo cáo, dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định 4 quan điểm phát triển. Về mục tiêu tổng quát, TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM là “TP.HCM toàn cầu bền vững, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, đáng sống, hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước”. Dự thảo Quy hoạch cũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 5 khâu đột phá. 

Ông Christopher Lewis Malone - Giám đốc điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á cho biết: "Trong 20 năm gần đây, Việt Nam rất thành công trong việc vận dụng xu thế chuyển đổi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, những dịch vụ đi kèm với sản xuất đó đang được đặt ở Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra ai là người hưởng lợi xu thế khi các ngành dịch vụ sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Tôi tin rằng TP.HCM là điểm đến số một bởi nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các điều kiện khác. Tuy nhiên, tôi chưa thấy trong kế hoạch việc TP.HCM sẽ làm thế nào để tận dụng cơ hội này trước các thành phố khác như Singapore hay Kuala Lumpur".

Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho ý kiến về việc tổ chức không gian phát triển, hành lang công nghiệp, đô thị, các tiểu vùng, cũng như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: