Tạp chí Văn nghệ

Soạn giả Hoàng Song Việt - Nỗi niềm với sân khấu cải lương

Trong các khâu sáng tạo của sân khấu, khán giả thường quan tâm nhiều đến diễn viên và đạo diễn, còn biên kịch thì lặng thầm hơn. Đối với nghệ thuật cải lương, vị trí biên kịch được gọi là soạn giả hoặc thầy tuồng - người được xem là linh hồn của vở diễn.

Soạn giả Hoàng Song Việt sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, đông anh chị em. Năm 6 tuổi, vì mắc bệnh sốt rất nặng khiến ông bị liệt một bên chân. Dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng trên con đường học vấn thì ông rất sáng dạ, luôn đứng đầu lớp.


Mê cải lương từ nhỏ nên ông đã nuôi mơ ước một ngày nào đó sẽ được làm công việc liên quan đến sân khấu cải lương. Song, khi nhìn lại thân thể khiếm khuyết của mình, ông chạnh lòng. Có lúc ông đã tự khuyên mình hãy từ bỏ giấc mơ hoang đường ấy, nhưng niềm đam mê vẫn luôn thôi thúc và cháy bỏng.

Từng sinh hoạt tại câu lạc bộ đờn ca tài tử quận Bình Thạnh, TP.HCM, dần dà ông tự học các bài bản cải lương. Tại đây, ông quen biết với một người bạn là nghệ sĩ cải lương. Nhận thấy ông có khả năng sáng tác, vài năm sau người này đã giới thiệu ông đến Đoàn cải lương Tuổi trẻ thương nghiệp.

Vào thập niên 1980, tình hình kinh tế đất nước khó khăn nhưng đời sống cải lương khá mạnh mẽ, cả nước có hàng trăm đoàn cải lương hoạt động sôi nổi. Bên cạnh những đoàn lớn trụ tại TP.HCM, rất nhiều đoàn lưu diễn khắp các tỉnh thành. Tuổi trẻ thương nghiệp không đình đám tại TP.HCM, nhưng được yêu mến tại miền Trung và miền Bắc. 

Ông hồi tưởng: "Do tôi là người mới, nên những ngày đầu tiên vào đoàn thì làm nhắc tuồng. Một tháng tập tuồng, tôi thuộc lòng hết các lời thoại và lời ca của các diễn viên. Trưởng đoàn thấy đoạn nào trong kịch bản chưa hợp lý, yêu cầu tôi biên tập lại. Thế là tôi làm luôn công việc biên tập. Rảnh rỗi, tôi ngồi vào bàn chỉnh âm thanh. Có lẽ tôi có năng khiếu cảm âm, nên tưởng là làm chơi cho vui, nào ngờ đoàn giao luôn vai trò điều chỉnh âm nhạc. Như vậy là cùng lúc tôi làm rất nhiều vai trò khác nhau trong hậu trường. Nhờ thế, càng ngày tôi càng rành rẽ các bước cần thiết trong một vở tuồng cải lương". Cũng tại đây, ông đã lấy nghệ danh và bút danh là Hoàng Song Việt. Họ Hoàng là để tri ân thầy Hoàng Nô - người đã tận tình chỉ dạy ông.

Vì sức khỏe kém, mà đoàn thì lưu diễn xa quá nhiều, nên ông phải xin nghỉ. Về nhà, ông nghĩ rằng cánh cửa cải lương đã khép dần trước mắt, dẫu máu nghề vẫn luôn cuộn chảy. Trong khoảng thời gian này, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu, bao gồm kịch nói và tuồng cải lương. Hoàng Song Việt thấy được cơ hội hiếm hoi lóe sáng.

Trong lần dự thi đó, sau khi nộp vở Sám hối, thấy thời hạn cuộc thi còn tầm 10 ngày, ông đã viết thêm vở Giấc mộng không tên, gửi dự thi đúng ngày cuối cùng. Kết quả, vở Giấc mộng không tên đoạt giải Ba, không có giải Nhất và Nhì, còn vở Sám hối vào vòng chung kết. Nhưng phần thưởng lớn nhất đó là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã chọn kịch bản Giấc mộng không tên dàn dựng, còn Đoàn Văn công thành phố chọn kịch bản Sám hối.


Niềm vui chưa dừng lại ở đó khi hai nơi này lần lượt mời anh về cộng tác ở vị trí soạn giả thường trực. Danh tiếng nhờ vậy mà dần vang xa. Nhà hát Hòa Bình đặt hàng viết tuồng Thanh xà - bạch xà, vở diễn thành công ngoạn mục. NSƯT Vũ Linh ra mắt Đoàn Sông Bé 2 cũng đặt ông viết tuồng Duyên kiếp và thành công vang dội. Từ đây, tên tuổi soạn giả Hoàng Song Việt tỏa sáng trong giới soạn giả thế hệ mới.

Cách nay ít năm, soạn giả Hoàng Song Việt nghỉ hưu. Dẫu vậy, niềm đam mê cải lương vẫn cuộn chảy trong huyết quản. Ông cùng soạn giả - NSƯT Triệu Trung Kiên thành lập đoàn cải lương tư nhân Đại Việt. Mục đích của ông là nỗ lực hết sức để các nghệ sĩ cải lương có đất diễn và nghệ thuật cải lương không lụi tàn. Vở tuồng đầu tiên Chuyện tình Khâu Vai được đầu tư lớn, đến đầu năm 2021, ông tiếp tục đầu tư dựng vở Nàng Xê – Đa. Đây là một vở diễn hay và đẹp từ nội dung đến hình thức, được khán giả đón nhận.


Có thể nói, cải lương với soạn giả Hoàng Song Việt còn cao hơn cả đam mê, đó là "đạo" và ông là một tín đồ thuần thành.

Tạp chí Văn Nghệ - 8g30 Chủ Nhật - HTV7.

Kim Quyên
Xem thêm
Xe buýt sách