Với một số người, bánh quy không chỉ để ăn mà còn có thể sáng tạo để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Những chiếc bánh quy dưới bàn tay khéo léo của Viên Hy (30 tuổi, TPHCM) bỗng dưng trở nên có hồn chẳng khác nào những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Viên Hy chia sẻ: "Từ những mẫu đơn giản được xem trên Instagram, thấy các nghệ nhân nước ngoài có thể điêu khắc người hoặc những câu chuyện dạng 3D trên bánh quy, tôi liền đăng ký theo học một lớp cơ bản, sau đó tự tìm tòi học hỏi". Thời điểm đó, bộ môn nghệ thuật này vẫn xa lạ ở Việt Nam, nguyên liệu cũng như dụng cụ làm bánh cô đều phải đặt từ nước ngoài.
Thời gian đầu, Viên Hy chỉ chuyên làm bánh cho các sự kiện như sinh nhật, tiệc cưới... Khi khách hàng yêu cầu, cô cũng chỉ thử vẽ những mẫu bánh đơn giản như nhân vật hoạt hình, công chúa… Song, khi đi sâu vào tìm hiểu, Viên Hy phát hiện ra những điều thú vị từ công việc này. Cô thấy thích thú khi những bức tranh có thể vẽ bằng kem đường, những ngôi nhà có thể dựng nên bằng bánh quy.
Viên Hy cho biết, khi mới bắt tay vào thực hiện, cô gặp không ít khó khăn do nghệ thuật này còn khá mới mẻ đối với nhiều người. Bên cạnh đó, Viên Hy cũng gặp những thử thách khi chưa từng học qua lớp vẽ nào vì với một số tạo hình bánh quy phức tạp cần có lượng kiến thức hội họa nhất định. Tuy nhiên, với đam mê và quan niệm "khó khăn cũng chính là cơ hội", cô luôn tích cực trao dồi, học hỏi thêm những kỹ thuật mới để nâng cao tay nghề, thử nghiệm với rất nhiều công thức kem đường và nền bánh mới cho ra được công thức như hiện tại.
Với một chiếc bánh quy tạo hình, người làm bánh cần tạo ra 2 phần chính là nền bánh và kem đường. Để làm ra một chiếc bánh quy sống động cần nhiều kỹ thuật cao, bao gồm hai kỹ thuật chính là bơm kem tạo khối và tô màu. Viên Hy giải thích: "Để thể hiện những phần cơ bắp hoặc mũi, miệng,... cần hội tụ nhiều yếu tố, bao gồm độ đặc lỏng của kem đường, lực bơm kem, tỷ lệ giữa đường và lòng trắng trứng. Ngoài ra, sau khi bơm kem tạo khối xong cần biết cách tô màu, tạo độ đậm nhạt, sáng tối sao cho thật sống động".
Những câu chuyện được gửi gắm trong mỗi đơn đặt hàng khiến Viên Hy cảm thấy ấn tượng và rất vui khi được là cầu nối giúp gắn kết tình cảm của mọi người với nhau. Trong hơn 10.000 chiếc bánh ra đời suốt tám năm qua, Viên Hy ấn tượng nhất với chiếc bánh cô y tá đội vương miện được đặt làm sau khi cô tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM. "Khi chiếc bánh ra đời, nhiều nghệ nhân ở nước ngoài nói họ xúc động khi thấy tác phẩm. Điều này càng khiến tôi trân trọng với nghề" - cô nói.
Đón xem Tạp chí Văn nghệ lúc 8g30 Chủ Nhật trên HTV7.