Phục trang phim Việt đề tài xưa: Chỉ đẹp thì chưa đủ

Phục trang đẹp và đúng bối cảnh không chỉ khiến khán giả đã mắt mà còn góp phần khắc họa tính cách nhân vật, tạo nên thành công của phim. Nhưng với phim đề tài xưa (gồm cổ trang, lịch sử, dã sử…) thì phục trang đẹp là chưa đủ.

Bên cạnh bối cảnh thì khó khăn và thách thức với tất cả những người làm phim đề tài xưa (gồm cổ trang, lịch sử, dã sử, kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học Hồ Biểu Chánh, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng...) luôn là phục trang. Bởi không thể mượn tạm trang phục từ sân khấu hay mặc cái gì cũng được như các phim có bối cảnh hiện đại. Để chuẩn bị làm phim Ngọn nến hoàng cung (2002) về triều Nguyễn thời cận đại, đạo diễn Quốc Hưng và nhà thiết kế Thế Bảo đã phải “xới tung” các tư liệu lịch sử để tìm các mẫu trang phục của thời Bảo Đại. Họ còn phải tìm các nhân chứng sống để nắm rõ các chi tiết nhằm thể hiện đúng tính cách nhân vật. Sau đó đặt mua vải may từ nước ngoài và mất hơn hai năm mới hoàn thành được gần 2,000 bộ trang phục cho Ngọn nến hoàng cung

Cảnh trong phim Lục Vân Tiên (TFS sản xuất) 

Năm 2004, nhà thiết kế Kiều Việt Liên cũng gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian để hoàn thành gần 400 bộ trang phục cho tất cả nhân vật trong phim truyền hình Lục Vân Tiên. Nhờ có sự đầu tư nghiêm túc này mà Ngọn nến hoàng cung Lục Vân Tiên được khán giả hài lòng về phần phục trang. Các bộ phim khác như: Khát vọng Thăng Long, Lều chõng, Long thành cầm giả ca, Về đất Thăng Long, Huyền sử thiên đô, Thiên mệnh anh hùng, Mỹ nhân kế, Tấm cám: Chuyện chưa kể, Trò đời, Người bất tử… cũng đều tốn nhiều thời gian và công phu cho phần phục trang của các nhân vật. 

Tuy vậy, không ít bộ phim cổ trang – lịch sử hay dã sử được đầu tư trang phục rất tốn kém nhưng vẫn bị “soi” là giống trang phục sân khấu hay không thuần Việt. Phim truyền hình Về đất Thăng Long có trang phục được may bằng loại vải phi bóng, sa tanh của thời nay (không phải là vải thô), nên màu sắc và hoa văn dù nhuộm bớt đi cho cũ vẫn còn rực rỡ. Tấm Cám: Chuyện chưa kể hay Thiên mệnh anh hùng, Mỹ nhân kế, Thạch Sanh… mang hơi hướng dã sử và giả tưởng nên trang phục có phần nào cách điệu. 

Cảnh trong phim Ngọn nến hoàng cung (TFS sản xuất)

Thiên mệnh anh hùng được khen bởi những điểm nhấn ấn tượng trong trang phục của các nhân vật chính đều thể hiện rất rõ nét văn hóa Việt Nam. Bộ phim Mỹ nhân kế bị chê là hở hang, gợi cảm quá đà, hay tạo hình của nhân vật Kiều Thị với trang sức đính giữa trán giống Ấn Độ, hoa văn trên các mẫu trang sức của các nhân vật khá lộn xộn. Phim Thạch Sanh bị phàn nàn vì phục trang quá hiện đại khi đồ trang sức, phụ kiện như: dây lưng, vòng tay, vòng chân bằng da đều rất mới, đôi dép của các nhân vật kiểu xăng-đan hay xỏ ngón mũi uốn cong… Còn trang phục trong Tấm Cám – Chuyện chưa kể bị chê khá giống với nước ngoài, không phù hợp với phim cổ trang Việt.

Cảnh trong phim Về đất Thăng Long (đã phát sóng trên HTV7)

Bởi “chiếc áo làm nên thầy tu”, trang phục trong phim đề tài xưa, đặc biệt là lịch sử và dã sử như: Ngọn nến hoàng cung, Thiên mệnh anh hùng, Long thành cầm giả ca, Về đất Thăng Long… cũng góp phần giúp khán giả hiểu hơn về văn hóa, lịch sử dân tộc nên sự chính xác là một tiêu chí khắt khe. Không chỉ lựa chọn chất liệu vải, thiết kế hoa văn, màu sắc cho phù hợp, mà trang phục cho các nhân vật, nhất là nhân vật lịch sử phải đảm bảo những giá trị lịch sử. 

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết: "Lều chõng là phim cổ trang nên chúng tôi đầu tư rất kỹ khâu phục trang. Trang phục được may hoàn toàn bằng tay, với chất liệu vải thô thuần Việt". Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hà – thiết kế phục trang cho các phim đề tài lịch sử, hay xưa như: Long thành cầm giả ca, Trò đời, Lều chõng… nhận định, việc thiết kế phục trang dựa trên nhiều tiêu chí nhưng phải đặt lên hàng đầu tính truyền thống, tinh thần Việt. Đồng thời, trang phục phải phù hợp với bối cảnh diễn ra câu chuyện, những yếu tố văn hóa, lịch sử liên quan, công việc, chức danh hay tính cách, tạo hình của nhân vật. 

Cảnh trong phim Lều chõng (TFS sản xuất)

Nhưng cái khó ở Việt Nam là tư liệu về trang phục các thời đại còn quá ít. Những tiêu chí, chuẩn mực cho thiết kế trang phục lịch sử vẫn chưa có. Ở các nước phát triển thì vật dụng, quần áo qua các thời kì lịch sử đã được xác định rất rõ trong Từ điển bách khoa toàn thư, các nghệ sĩ căn cứ vào đó mà sáng tạo. Một cái khó nữa là Điện ảnh Việt Nam không có xưởng may trang phục cho phim, mỗi đoàn phim khi cần đều phải tự xoay xở. Việc thiết kế và may mới rất tốn kém kinh phí, trong khi kinh phí chung để sản xuất phim vẫn còn thấp. Mặt khác, đội ngũ họa sĩ thiết kế phục trang được đào tạo bài bản trong các trường Sân khấu - Điện ảnh cũng rất ít, nên các phim như: Thiên mệnh anh hùng, Mỹ nhân kế, Ngọn nến hoàng cung, Đò dọc, Lục Vân Tiên, Tấm Cám: Chuyện chưa kể… phải “thuê” các nhà thiết kế thời trang hay công ty thời trang có tên tuổi. 

Tạo hình và phục trang của Phượng khấu 

Công bằng đánh giá thì những năm gần đây, các đoàn làm phim đề tài xưa đã có sự quan tâm đến vai trò của thiết kế phục trang, chịu đầu tư cho trang phục cũng như tìm kiếm những bối cảnh tốt hơn. Nhờ vậy, phục trang trên phim không chỉ đẹp mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử nhất định. Ở thời điểm này, tạo hình với những bộ trang phục truyền thống của Phượng khấu qua thiết kế của Ỷ Vân Hiên kết hợp với nghệ nhân Vũ Kim Lộc - đang được những người am hiểu về văn hóa công nhận là "đúng với lịch sử". Bộ phim xoay quanh cuộc đời của một phi tần triều Nguyễn với dàn diễn viên như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSND Hồng Vân, Hồng Đào, Quang Minh, Kiều Trinh, Thanh Tú… sẽ ra mắt cuối năm nay. 

Đan Khanh