(HTV) - Tổng kết Nghị quyết 54, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá, nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển của TP.HCM.
Tại phiên họp sáng 26/5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đây là nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 năm 2017, với 27 điểm mới, đột phá, được kỳ vọng giúp khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới phát triển ở tầm cao hơn, là sự mong chờ của cả đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp TP.HCM.
Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM
Theo dõi quá trình 5 năm TP.HCM thí điểm Nghị quyết 54, PGS.TS Nguyễn Văn Trình trăn trở nhiều nhất về việc đưa nghị quyết vào thực tiễn đời sống. Những biến động chính trị - kinh tế - xã hội toàn cầu đã đặt ra thách thức phát triển ngày càng cao đối với TP.HCM. Hơn bao giờ hết, đầu tàu thành phố cần được trao quyền mạnh mẽ hơn mới đủ sức trở thành cực nam châm tăng trưởng.
PGS. TS Nguyễn Văn Trình - Giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) cho biết: “Có hai điều cần được xem xét. Thứ nhất, chúng ta nên thành lập một nghị quyết thể chế chính quyền địa phương để đưa vào áp dụng cùng với nghị quyết đã đề xuất. Thứ hai, để đảm bảo quá trình thực hiện được bền vững, chúng ta cần ban hành một luật đô thị đặc biệt áp dụng cho cả nước, để đảm bảo khi có đô thị nào được xếp loại đặc biệt thì đều áp dụng luật này. Luật này phải có tính bền vững trong một khoảng thời gian dài và chỉ điều chỉnh hoặc bổ sung khi nào được xem là cũ kỹ hoặc hết hiệu lực. Do đó, để thực hiện nghị quyết này một số vấn đề cần chuẩn bị và quan tâm lâu dài, vì thế hẳn sẽ không thể giải quyết được nếu chỉ thực hiện trong một vài năm thí điểm”.

PGS. TS Nguyễn Văn Trình - Giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU)
Trong dự thảo Nghị quyết mới, TP.HCM đề xuất cơ chế phân cấp phân quyền rõ ràng hơn trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước. Ví dụ: Đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, môi trường phải được minh bạch về thẩm quyền. Nội dung nào do Trung ương quyết, nội dung nào do TP.HCM quyết, càng cụ thể hóa thì Nghị quyết càng dễ đi vào đời sống.
TS. Bùi Ngọc Hiền - Trưởng phòng quản lý thông tin khoa học và tư liệu, Học viện cán bộ TP.HCM cho biết: “Rút kinh nghiệm từ NQ54 khi có rồi mới xây dựng chương trình nhưng bây giờ trong nghị quyết mới này thì sự chủ động của thành phố sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi rất trông đợi sự vào cuộc của bộ ngành”.
Bà Tô Thị Bích Châu - Đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ: “Thứ nhất, giúp cho thành phố chủ động hơn trong nguồn thu ngân sách, cũng như giúp các ủy ban nhân dân quận huyện chủ động hơn đối với việc sử dụng kết dư của các quận huyện trong các việc sửa chữa nhỏ, phục vụ nhu cầu dân sinh. Thứ 2 là phân cấp phân quyền cho TP.HCM trong điều kiện không tăng biên chế nhưng có thể điều chỉnh số lượng cán bộ phù hợp. Nếu được phân cấp phân quyền thì TP.HCM có thể phân cấp cho chúng tôi, để chúng tôi có thể kịp thời phục vụ người dân, người dân không cần đi lại nhiều tầng nhiều cấp” .

Bà Tô Thị Bích Châu - Đại biểu Quốc hội TP.HCM
PGS.TS Trần Thọ Quang - Tạp chí Cộng sản nhận định: “Từ nguồn nhân lực, đầu tư ưu tiên cơ sở hạ tầng, được trao cơ chế chính sách để xây dựng thiết kế bộ máy. Tất cả những cái đó phải đồng bộ thì chúng ta mới cất cánh được”.
Một cơ chế thông thoáng, một bộ máy thực thi đầy quyết tâm sẽ thúc đẩy đầu tàu TP.HCM tiến nhanh, tiến xa, trở thành mô hình kiểu mẫu về đô thị đặc biệt cho cả nước.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc SAIGON CO.OP nói: "Việc thay đổi theo NQ54 không chỉ liên quan đến thể chế và có tính chất hành chính công, mà còn có những yếu tố khác như môi trường và kinh tế tiêu dùng của TP, cùng với việc đẩy mạnh các dự án trọng tâm và yếu tố để TP.HCM trở lại với vai trò đầu tàu và hình ảnh mạnh mẽ hơn, đáp ứng tốt các kỳ vọng".

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc SAIGON CO.OP
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã nhấn mạnh rằng việc Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết mới sẽ giúp TP.HCM có được hệ thống thể chế liên quan đến phân cấp phân quyền và chính sách động lực, đồng thời giúp phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố. Nhờ đó, TP.HCM có thể sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình đường bộ vùng, liên vùng, thu hút nguồn vốn đầu tư và nhân tài, chuyên gia. Việc này sẽ tháo gỡ rất căn cơ về mặt thể chế và khắc phục việc cần phải xin từng vụ việc. Các cơ chế đặc thù được đề xuất trong dự thảo nghị quyết sẽ giúp thẩm quyền quyết định của TP.HCM trở nên rất lớn.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhấn mạnh rằng TP.HCM gánh vác nhiều trọng trách quan trọng để đóng góp vào GDP chung của cả nước. Việc phát triển TP.HCM không chỉ hưởng lợi cho riêng thành phố mà còn cho toàn quốc, đồng thời cũng là nơi để thí điểm các chính sách mới. Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị quyết 54 còn cần nhiều sửa đổi và điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thực tế và có thể áp dụng được cho cả các thành phố khác. Cần thêm nhiều người đóng góp để giúp TP.HCM phát triển tốt hơn.
Theo các chuyên gia, khi nghị quyết mới được thông qua, những chính sách đột phá, vượt trội sẽ tạo động lực để TP.HCM phát triển xứng tầm, đồng thời lan tỏa tích cực cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.
>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9