(HTV) - Truyền thông Bangladesh đưa tin, ông Muhammad Yunus sẽ là người đứng đầu chính phủ lâm thời của nước này, trong bối cảnh khủng hoảng lan rộng buộc Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức và rời khỏi đất nước.

Ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, được chỉ định làm người đứng đầu chính phủ lâm thời của Bangladesh. Nguồn ảnh: Reuter
Quyết định được đưa ra tối 06/8 (giờ địa phương), tại cuộc họp do Tổng thống Bangladesh, Mohammed Shahabuddin chủ trì.
Ông Muhammad Yunus năm nay 84 tuổi, là nhà kinh tế và lãnh đạo xã hội dân sự Bangladesh. Ông là người phổ biến khái niệm tín dụng vi mô để hỗ trợ những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ. Sự tiên phong và nỗ lực giúp ông Yanus cùng ngân hàng Gremeen do ông sáng sáng lập, được trao tặng Giải Nobel Hòa bình năm 2006.
Từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2006, nhưng ông Muhammad Yunus cũng từng đối mặt nhiều cáo buộc. Nguồn ảnh: Reuters
Tuy nhiên, ông Yunus cũng từng đối mặt nhiều cáo buộc biển thủ, tham nhũng và vi phạm luật lao động. Ông cũng từng cân nhắc lập đảng đối lập với Liên đoàn Awami của Thủ tướng Sheikh Hasina.
Ngoài ông Yunus làm người đứng đầu, các thành viên khác của chính phủ lâm thời sẽ được hoàn chỉnh trong sự tham vấn với các chính đảng khác.
Cũng trong cuộc họp, Tổng thống Shahabuddin hối thúc tất cả các bên cùng nhau chung tay giải quyết khủng hoảng hiện nay.

Biểu tình ở Bangladesh bùng phát vào tháng 7/2024, đến nay đã làm hơn 400 người đã thiệt mạng cùng hàng ngàn người bị thương. Nguồn ảnh: AP

Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ của sinh viên đã leo thang thành bạo loạn. Nguồn ảnh: AP
Các cuộc biểu tình tại Bangladesh bắt đầu bùng phát vào tháng Bảy, do các nhóm sinh viên dẫn đầu, nhằm phản đối hạn ngạch việc làm của công chức. Biểu tình leo thang bạo lực khiến hơn 400 người đã thiệt mạng cùng hàng ngàn người bị thương.

Thủ tướng Sheikh Hasina đã phải từ chức và rời khỏi đất nước trước tình hình bạo lực leo thang. Nguồn ảnh: AP
Trước sức ép của phong trào phản đối chính phủ, Thủ tướng nước này, bà Sheikh Hasina, đã phải từ chức sau 15 năm cầm quyền và rời khỏi đất nước. Tiếp đó, Tổng thống Shahabuddin tuyên bố giải tán Quốc hội và lập một chính phủ lâm thời.
Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn tại Bangladesh. Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên trong nước bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một quá trình chuyển tiếp hòa bình, trật tự và dân chủ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9