Những thành tựu trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại TP.HCM

MỸ LINH - HOÀN THIỆN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 6/11/2023, 17:08

(HTV) - Sáng 06/11, Đoàn công tác Nhóm 2 của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM.

Buổi làm việc về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, tập trung Tổng kết chuyên đề Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ trì buổi làm việc có đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng nhóm 2, Trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc

Đến thời điểm này, TP.HCM đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. TP.HCM đã từng bước hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Kinh tế TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò năng lực nội sinh với khu vực có vốn đầu tư trong nước chiếm tỷ trọng cao, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Đến năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM theo giá hiện hành gấp 2,9 lần so với năm 2010. Trong đó kinh tế Nhà nước gấp 1,6 lần, kinh tế ngoài Nhà nước gấp 3,1 lần, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gấp 4,3 lần.

Thời gian tới, kinh tế TP.HCM tập trung vào những định hướng phát triển quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp xanh, năng lượng xanh, gắn với liên kết vùng. Cùng với đó, ưu tiên hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh TP.HCM có sẵn nền tảng từ tâm thế, trình độ, năng lực nguồn nhân lực trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhiều mô hình mới xuất hiện tại TP.HCM, đã được vận dụng sáng tạo theo tinh thần dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải đánh giá, tổng kết nghiêm túc, toàn diện và sâu sắc hơn.

Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng nhóm 2 - Trần Tuấn Anh đánh giá các ý kiến phát biểu về cơ bản đã góp phần làm rõ thêm nhận thức của Thành phố về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời nhấn mạnh thêm về một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm.

Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, phấn đấu: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Do vậy, việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có vai trò quan trọng, là một trong những trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, cần phải được quán triệt sâu sắc cả về nhận thức và hành động. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: