Phụ nữ quyền năng

Nghệ nhân Ý Lan: Người khai sinh ra dòng tranh cát

Với sự tỉ mỉ cùng đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Ý Lan chính là người đầu tiên khai sinh ra dòng tranh cát đặc biệt khiến bao người Việt Nam tự hào.

Nghệ nhân Ý Lan là người khai sinh ra nghệ thuật tranh cát 

Đến với nghệ thuật tranh cát từ sự tình cờ

Nghệ nhân tranh cát Ý Lan tên thật là Nguyễn Thị Hoàng Lan, sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh. Cô là người người đầu tiên sáng tạo ra nghệ thuật tranh cát tại Việt Nam. 

Chưa từng học qua một trường lớp hội họa nào, nghệ nhân tranh cát Ý Lan đến với môn nghệ thuật này một cách tình cờ. Trong một lần về quê chồng, cô dạo bờ biển và nhận thấy màu sắc của cát thật đẹp. Cũng như bao người khác, ý định ban đầu của Ý Lan chỉ là mang cát về đổ vào bình để cắm hoa. Nhưng không ngờ, khi cô đổ cát vào bình lại thấy màu cát hòa quyện vào nhau thật tuyệt diệu nên đã nảy sinh ra ý tưởng đi tìm các màu cát khác nhau về để tạo thành những bức tranh.


Nghệ nhân Ý Lan chia sẻ câu chuyện tranh cát trong "Phụ nữ quyền năng"

Với niềm đam mê mãnh liệt cùng năng khiếu bẩm sinh, nghệ nhân Ý Lan bắt đầu hành trình khởi xướng môn nghệ thuật độc đáo này từ những hạt cát vô tri vô giác. Chính vì thế, cô đã đi rất nhiều nơi, từ lên rừng đến xuống biển để tìm được nhiều màu cát khác nhau. Đó cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của người nghệ nhân này để có được một bộ sưu tập màu cát. 

Giấu gia đình để được đi tìm màu cát

Trong những năm đầu đi tìm màu cát, nghệ nhân Ý Lan chỉ thực hiện công việc này một mình. Có lần Ý Lan nhìn thấy một màu cát rất sáng và đẹp, cô quyết tâm lấy cho bằng được màu cát ấy đem về nên đã cố gắng leo lên núi. 

“Sau khi tôi lấy được màu cát ưng ý thì mới phát hiện mình đã leo lên núi rất cao nên không biết cách làm cách nào mới có thể xuống được dưới. Lúc ấy, tôi đành hái lá cây lót xuống dưới rồi trượt từ từ xuống. Ngoài ra, có những lần tôi gặp còn phải ổ rắn hoặc do mải mê quá nên đi sâu vào trong rừng, không biết mình đã đi những đường nào”, nghệ nhân Ý Lan chia sẻ về những khó khăn trong quá trình đi tìm màu cát.


Toàn bộ 88 màu cát đều được tìm thấy tại Việt Nam 

Thực tế, Ý Lan chưa từng kể lại cho gia đình nghe về những khó khăn lúc đó mà mình gặp phải, bởi nếu họ biết được sự thật sẽ không cho cô đi nữa. Vì lòng đam mê, cô đã giấu nhẹm những câu chuyện này để được tiếp tục hành trình tìm màu cát. 

Từ năm 2000 đến năm 2004, nghệ nhân Ý Lan đã tìm ra 33 màu cát và được trao tặng Kỷ lục Guinness Việt Nam. Năm 2008, cô lại tự phá kỷ lục của mình khi tìm ra 81 màu cát khác nhau và tiếp tục ghi danh vào sách Kỷ lục Asean. Mặc dù đây là danh hiệu danh hiệu người tìm ra nhiều màu cát nhất Asean nhưng Ý Lan cho biết, tất cả màu cát này toàn bộ được tìm thấy ở Việt Nam. 

Trong 81 màu cát, có những màu sắc rất khó tìm và quá trình tìm kiếm rất cực đồng thời cũng chẳng dễ dàng gì. Chẳng hạn như màu đen cần phải đào sâu từ 1 mét đến 1.5 mét thì mới tìm thấy. Nhưng khi đào lên, màu có được không hẳn là đen mà bị trộn lẫn với sắc vàng, nên cần phải sàng lọc bằng nước để tách màu. Hoặc màu vàng tươi của hoa mai phải đào trên ngọn đồi cao, nhưng nó được kết dính thành một khối gồm bốn màu cũng cần phải đập và tách màu ra mới thu được màu như ý muốn.

Tỉ mỉ và kiên nhẫn mới tạo được tranh cát

Nếu mọi người quan sát sẽ thấy mỗi bức tranh cát đều có hai mặt với hai hình hoàn toàn khác nhau. Khó khăn trong việc tạo hình tranh cát không chỉ ở phần hình ảnh mà phức tạp ở phần họa tiết chữ. Để tạo được những dòng chữ thư pháp, người nghệ nhân cần phải tỉ, kiên nhẫn và khéo léo để rắc từng hạt cát. 


Các tác phẩm tranh cát được tạo ra từ sự tỉ mỉ và kiên nhẫn của người nghệ nhân

Có rất nhiều bài báo ca ngợi về nghệ nhân tranh cát Ý Lan, đặc biệt là các tác phẩm của cô đã ghi được những dấu ấn sâu sắc khi trở thành món quà dành tặng các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam. 

Nghệ sĩ Ý Lan chia sẻ: “Những bức tranh chân dung được làm từ cát có độ khó rất cao, đòi hỏi nghệ nhân cần đặt cái tâm của mình vào tác phẩm. Vì vậy, trước bắt tay tạo nên bức chân dung, họ phải đọc được cái thần của nhân vật, nhắm mắt lại để mường tượng lại hình ảnh đó, rồi mới tiến hành thực hiện”.

Với sự khéo léo tỉ mỉ, từng hạt cát đã được bàn tay của nghệ nhân Ý Lan biến thành những bức tranh khác nhau đầy sống động với nhiều nội dung ý nghĩa. Tính cho đến nay, tranh cát Ý Lan đã giành được rất nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Những sản phẩm tranh cát này cũng được nhiều khách quốc tế yêu thích và chọn làm quà tặng khi trở về nước. 

Giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn

Không chỉ là một người phụ nữ tài năng, nghệ nhân Ý Lan còn có trái tim nhân ái. Cô đã giúp đỡ rất nhiều trẻ em có khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn bằng cách truyền lại nghề làm tranh cát, tạo công ăn việc làm cho các em bước vào đời. 


Nghệ nhân Ý Lan truyền nghề tranh cát cho các em có hoàn cảnh khó khăn 

Chia sẻ về ý nguyện này, nghệ nhân Ý Lan bộc bạch: “Từ nhỏ, tôi thường thấy mỗi lần nấu cơm, bà ngoại thường hay đổ một lon gạo vào khạp. Lúc đầu, tôi thấy lạ nên thắc mắc với ngoại: vì sao bà đã đổ gạo vào trong nồi rồi còn múc thêm một lon đổ vào khạp. Bà ngoại nói, lúc mình ăn cơm nên nhớ đến những người khó khăn. Khi nào khạp gạo này đầy thì mình mang chia sẻ cho mọi người. 

Vì vậy, khi có điều kiện, tôi luôn nhớ đến lời ngoại dạy, cố gắng giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Giờ đây, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn khi giúp được các em khuyết tật có nghề làm tranh cát. Nghề này không chỉ nuôi được bản thân mà các em còn giúp đỡ được gia đình”. 

Với mục đích giúp đỡ, quyên góp để những em gặp hoàn cảnh khó khăn có một cuộc sống tốt hơn, nghệ nhân Ý Lan đã cho ra đời chương trình mang tên Nụ cười xuân. Sau 11 năm thực hiện, chương trình đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các doanh nhân. Bước sang năm thứ 12, người nghệ nhân này mong muốn sẽ cùng đồng hành cùng mọi người để tiếp tục chung tay nâng bước để các em có thể bước vào đời một cách tự tin và vững chải.

Mời quý vị đón xem chương trình “Phụ nữ quyền năng” mùa 2 được phát sóng hàng tuần vào thứ Bảy lúc 19g45 trên kênh Thuần Việt HD và Chủ nhật lúc 20g trên kênh Thuần Việt. 
Thúy Minh