XUÂN CANH TÝ 2020 - XUÂN QUÊ HƯƠNG

Hương bánh quê

Bộ phim là câu chuyện về Nghệ nhân Phan Thị Kim Ngân ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm bánh dân gian và làm được hơn 50 loại bánh khác nhau được chế biến theo hương vị truyền thống.

Buffet mâm bánh dân gian

Ai đã từng lớn lên ở miệt sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, khi nhắc đến những loại bánh dân gian Nam bộ như bánh xèo, bánh lọt, bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh bò, bánh rau mơ, bánh da lợn... ắt hẳn đều biết và nhớ rất rõ mùi vị đặc trưng của từng loại bánh này. Những mùi vị độc đáo dân dã không chỉ là hương vị đơn thuần của những chiếc bánh, mà còn gói trọn cả ký ức, hoài niệm tuổi thơ của bao thế hệ.

Từ ý tưởng giới thiệu đặc sản vùng miền, vẻ đẹp của những chiếc bánh miền quê trong văn hóa ẩm thực Nam bộ, đạo diễn Huỳnh Ngọc Thảo cùng với ê-kip thực hiện chương trình đã tìm về Cồn Sơn, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Và thật bất ngờ khi đoàn làm phim có dịp được trải nghiệm mô hình khu du lịch cộng đồng, do nghệ nhân làm bánh Phan Thị Kim Ngân cùng nhiều gia đình khác ở đây liên kết thực hiện.

Đến với mô hình du lịch cộng đồng này, du khách trong và ngoài nước không chỉ được tham quan, dã ngoại, hòa mình với cuộc sống dân dã, mà còn có cơ hội được thưởng thức nhiều hương vị hấp dẫn của các loại bánh dân gian Nam bộ. 

Đạo diễn Huỳnh Ngọc Thảo tham gia gói bánh

TỪ HƯƠNG VỊ KÝ ỨC

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bánh dân gian nên ngay từ nhỏ, nghệ nhân Phan Thị Kim Ngân (tên gọi thân thuộc là bà Bảy Muôn) đã được bà nội và mẹ truyền lại kinh nghiệm cũng như công thức làm các loại bánh. Khi đó, bà Bảy Muôn thường lân la theo bà nội, theo mẹ phụ giúp làm những chuyện lặt vặt và hóng chờ được ăn cái bánh nóng hổi. Lớn lên lấy chồng, bà vẫn giữ thói quen làm bánh cho gia đình ăn lúc rảnh rỗi.

Bánh đúc lá dứa

Do tay nghề khéo nên mỗi khi trong xóm có đám tiệc, cưới xin là bà Bảy Muôn được mọi người mời đến làm bánh. Từ những loại bánh đơn giản đãi khách đến những loại bánh phục vụ lễ cưới, bà đều làm thật khéo léo và đẹp mắt. Cứ thế, giờ đây bà là người nắm giữ “bí kíp” công thức làm hơn 50 loại bánh dân gian Nam bộ. Tất cả đều được làm bằng công thức chính gốc của ông bà xưa; dụng cụ thủ công, màu sắc, hương vị thì sử dụng hoàn toàn tự nhiên từ những loại cỏ cây, hoa lá có sẵn tại vườn nhà như lá dứa, lá cẩm, hoa đậu biếc, lá giang rừng, củ mì tinh… Vì thế, những chiếc bánh của bà Bảy Muôn làm ra luôn giữ được hương vị truyền thống, chinh phục được khẩu vị của nhiều người. 

THỔI HỒN VÀO CHIẾC BÁNH QUÊ

Có lẽ, chiếc bánh quê của bà Bảy Muôn sẽ mãi tỏa hương trong phạm vi gia đình, xóm ấp hay rộng hơn một chút là khắp cái Cồn Sơn này thôi, nếu như không có Lễ hội bánh dân gian Nam bộ do Sở VHTT & DL thành phố Cần Thơ tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015. Lễ hội khi ấy đã quy tụ nhiều nghệ nhân bánh dân gian các tỉnh, thành Nam bộ. Và bà Bảy Muôn cũng “lân la” thử sức mình. Không ngờ, lần thử sức ấy, bà đã tạo được dấu ấn không chỉ với các nghệ nhân khác mà còn gây tiếng vang với đông đảo thực khách bằng hương vị của “bánh lọt tuyệt hảo”. 

Bánh lọt lá dứa 

Bánh lọt được bà Bảy Muôn làm từ nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở nhà như bà dùng củ mì tinh làm bột, lá dứa tạo màu, để tạo độ giòn thì bà dùng lá giang rừng chứ không dùng hàn the, còn nước cốt thì bà dùng hoàn toàn nước cốt dừa chứ không sử dụng chất tạo béo. Cho nên khi ăn bánh lọt do bà Bảy Muôn làm, thực khách sẽ cảm nhận một hương vị khác hoàn toàn so với bánh lọt bán ở chợ. Sau lễ hội, bà Bảy Muôn như được tiếp thêm sức mạnh với ý định đưa hương vị bánh quê ngày một lan tỏa rộng khắp.

NGÀY MỘT LAN TỎA

Với sự giúp sức của nhiều người tâm huyết với bánh dân gian Nam bộ, đặc biệt là sự đồng lòng của nhiều nghệ nhân làm bánh ở Cồn Sơn, bà Bảy Muôn đã gầy dựng nên một “thương hiệu” thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đến Cồn Sơn, du khách không chỉ được hòa mình vào khung cảnh êm đềm của sông nước, cây trái miệt vườn, mà thú vị hơn hết, chính là được trải nghiệm và thưởng thức các loại bánh dân gian Nam bộ. 

Bánh canh bột xắt tôm càng

Trong bối cảnh thực phẩm độc hại, kém chất lượng đến mức báo động, các thực phẩm chế biến phát triển mạnh mẽ trên thị trường thì việc được trực tiếp thưởng thức những chiếc bánh dân gian mang đậm hồn dân tộc, từ chính những người dân chân chất, khéo léo, là một trong những hoạt động thú vị trong xu hướng phát triển du lịch của thế giới hiện nay. 

Bánh dân gian Nam bộ bình dị, chân quê, nhuần nhuyễn truyền thống, đó là thế mạnh, đặc biệt trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Hương vị chiếc bánh quê gợi nhớ ký ức một thời cha ông đi mở cõi, là cơ hội để người già tìm về hoài niệm, người trẻ và bạn bè gần xa có cơ hội tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc. Bánh dân gian Nam bộ đã thực sự bước ra khỏi “cổng làng”, hòa nhập theo xu thế phát triển của thời đại.

Mời quý khán giả đón xem bộ phim tài liệu “Hương bánh quê” phát sóng lúc 8g ngày 28/1 (Mùng 4 Tết Canh Tý) trên kênh HTV9.

Thảo Trang