Hành trình qua các vùng trà di sản

ĐÀO TRƯNG - TẤN LỘC - QUỐC SỬ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 19/4/2024, 13:00

(HTV) - Thái Nguyên quản lý 22,2 nghìn hecta trà, với hơn 82% là giống mới, mang lại khoảng 11.000 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn cần cải thiện việc kết nối và ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đổi mới và nâng cao chất lượng trà Thái Nguyên 

Chè Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon mà còn bởi sự đa dạng về chủng loại. Mỗi vùng chè lại mang một hương vị đặc trưng riêng, khiến du khách và người tiêu dùng say mê.

Nhờ những nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng, trà Thái Nguyên đã và đang khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Trà Thái Nguyên không chỉ là một sản phẩm kinh tế mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của vùng đất trung du.

Chị Lê Thị Thanh - Giám đốc HTX Chè Vạn Phúc, Thái Nguyên

Chị Lê Thị Thanh -  Giám đốc HTX Chè Vạn Phúc, Thái Nguyên đã chia sẻ rằng: "Quy trình sản xuất chè của HTX tuân thủ các nguyên tắc chế biến trà xanh Vietgap, sản phẩm OCOP 3 sao. Mục tiêu năm 2024 sẽ là sản phẩm OCOP 4 sao, đến giữa 2025 sẽ đạt trà chất lượng hữu cơ. Tôi nghiên cứu kĩ về vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết bà con nông dân để cùng HTX xây dựng thương hiệu bền vững". 

Bảo tồn vùng trà Shan Tuyết cổ thụ tại Yên Bái.

Người dân bản địa đi hái trà vào sáng sớm

Vùng lõi trà Shan tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích khoảng 400ha; trong đó, diện tích cây cổ thụ mọc tự nhiên là 290ha. Vụ trà xuân tất bật, người người nhà nhà đều đi hái trà từ sáng sớm tinh mơ. 

Anh Vàng A Sáu - Thôn Pang Cán, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái

Anh Vàng A Sáu - Thôn Pang Cán, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái cho biết: "Shan tuyết hoàn toàn sống tự nhiên trên núi cao. Cách chăm sóc tốt nhất là mỗi năm mình phát cỏ một lần, cứ thế đến mùa thì thu hoạch. Rất muốn giữ được cây chè vì đây là cây chủ lực kinh tế, xóa đói giảm ngèo của bà con người Mông. Không hiểu sao nó mối mọt hết, nhưng không biết làm cách nào. Muốn bảo vệ cây trà lắm mà không biết phải làm sao. Mỗi năm mất đi 20 cây cổ thụ". 

Vào năm 2016, trà Shan Tuyết đã được vinh danh là cây di sản Việt Nam. Tại Suối Giàng, những cánh rừng trà Shan Tuyết cổ thụ bạt ngàn mọc lên ở độ cao từ 1000 đến 2000 mét so với mực nước biển tạo nên khung cảnh hùng vĩ. Tuy nhiên, những cây trà này đang đối mặt với nguy cơ bị mối mọt hủy hoại thân cây, khiến hàng chục cây quý hiếm chết mỗi năm. Đây là thách thức lớn đối với cộng đồng địa phương và đòi hỏi giải pháp hiệu quả để bảo tồn di sản quý giá này.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: