(HTV) - Trước biến động kinh tế toàn cầu, dòng vốn quốc tế đang đổ mạnh vào các thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam. Sở hữu nền tảng tài chính vững và vị thế hàng đầu ngành tiêu dùng - bán lẻ, Masan Group (MSN) thu hút sự quan tâm lớn từ khối ngoại.
Châu Á hút ròng gần 10 tỷ USD - Việt Nam là điểm sáng
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, chỉ trong ba tuần gần đây, các quỹ đầu tư toàn cầu đã mua ròng gần 9,64 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường mới nổi châu Á (ngoại trừ Trung Quốc) – chuỗi hút vốn dài nhất kể từ tháng 3/2024. Đặc biệt, các cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu đang được đánh giá cao nhờ khả năng phòng thủ giữa bối cảnh bất ổn kinh tế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng.
Ngay sau khi Mỹ công bố loạt thuế quan mới, nhiều tổ chức đầu tư lớn như Goldman Sachs, Morgan Stanley hay Fidelity International đã nâng khuyến nghị cổ phiếu ngành tiêu dùng thiết yếu châu Á lên mức “tăng tỷ trọng” (overweight). Chỉ số MSCI Asia Pacific Consumer Staples Index tăng 5% trong vòng hai tuần, vượt xa mức giảm 2,5% của chỉ số chung khu vực. Điều này cho thấy niềm tin vào sức bật của các doanh nghiệp nội địa – đặc biệt là những tên tuổi lớn như Masan.

Masan Group – một trong những đại diện tiêu biểu cho doanh nghiệp nội địa, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư quốc tế giữa làn sóng vốn đổ vào châu Á
Việt Nam thu hút dòng vốn, cổ phiếu MSN được kỳ vọng cao
Tại Việt Nam, dòng vốn ngoại cũng đang có xu hướng quay trở lại mạnh mẽ. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 30/4/2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Riêng trong phiên giao dịch ngày 14/5, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận giá trị mua ròng từ khối ngoại lên tới 2.400 tỷ đồng – mức cao kỷ lục trong gần hai năm.
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) tiếp tục chứng tỏ vai trò “đầu tàu” khi vừa có nền tảng tài chính vững chắc, vừa hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ đầy tiềm năng. Với hệ sinh thái đa dạng trải dài từ thực phẩm, đồ uống đến bán lẻ hiện đại và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, Masan đang được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao về năng lực chống chịu và tăng trưởng bền vững.

Masan sở hữu hệ sinh thái tiêu dùng đa dạng, hướng tới tăng trưởng bền vững
Tiêu dùng hồi phục, cổ phiếu Masan hưởng lợi
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch tăng 45,1%, dịch vụ ăn uống tăng 15,1%. Điều này tạo đà cho sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng - một trong những mảnh đất màu mỡ mà Masan đang chiếm lĩnh hiệu quả.

Các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Masan góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong nước
Bên cạnh đó, sự phục hồi của ngành du lịch với hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa trong năm 2024 đã góp phần kích thích hành vi tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng cho toàn ngành bán lẻ, nơi Masan đang sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart cùng nhiều thương hiệu thực phẩm quốc dân.
MSN - Lựa chọn chiến lược giữa làn sóng hút vốn vào Việt Nam
Theo đánh giá mới nhất từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cổ phiếu MSN của Masan Group đang được định giá ở mức hấp dẫn 89.200 đồng/cổ phiếu (theo phương pháp SoTP). Báo cáo cũng chỉ ra những yếu tố then chốt giúp MSN hấp dẫn dòng vốn ngoại:
- Thanh khoản cao, vốn hóa lớn, giao dịch sôi động.
- Tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) vẫn còn dư địa lớn.
- Tỷ lệ nợ ròng/EBITDA ở mức lành mạnh (2,9x), thể hiện bảng cân đối tài chính an toàn.
- Dòng tiền tự do (FCF) tăng 81%, đạt 743 tỷ đồng – cho thấy hiệu suất vận hành hiệu quả.

Danh mục sản phẩm thiết yếu của Masan như Chinsu góp phần củng cố nền tảng tài chính bền vững
Giữa làn sóng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, cổ phiếu Masan không chỉ là tâm điểm nhờ nội lực tài chính mạnh, mà còn là đại diện tiêu biểu cho khát vọng phát triển dài hạn và bền vững của doanh nghiệp Việt.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9