Đóng vai nhân vật có thật: Quan trọng vẫn là diễn xuất

Khi làm phim về nhân vật có thật, việc lựa chọn diễn viên thủ vai chính là không dễ dàng. Bởi người được “chọn mặt gửi vàng” luôn cần đáp ứng yêu cầu hao hao giống về ngoại hình nhưng quan trọng hơn vẫn là diễn xuất tốt.

Việt Trinh vai Bạch Cúc - nguyên mẫu từ Lâm Thị Phấn - trong phim “Người đẹp Tây Đô”

Ở thời điểm này, một số dự án phim có liên quan đến nhân vật có thật như: Em và Trịnh - về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ráo riết tuyển chọn diễn viên; Trưng Vương là huyền sử về hai vị nữ vương nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam cũng đang trong quá trình chuẩn bị; web-drama Phượng Khấu (dã sử) tái hiện cuộc đời của Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ Hoàng thái hậu) vừa ra mắt… 

Trước đó, đã có kha khá phim về nhân vật có thật, đặc biệt là nhân vật lịch sử được khắc họa trên màn ảnh, thể kể loạt phim truyền hình do TFS sản xuất hoặc từng phát sóng trên HTV như: Người đẹp Tây Đô – có nguyên mẫu là nữ tình báo Lâm Thị Phấn thời chống Pháp; Hàn Mạc Tử - về nhà thơ Hàn Mạc Tử; Dưới cờ đại nghĩa – về nhân vật Bảy Viễn, thủ lĩnh của lực lượng Bình Xuyên trước 1945; Vó ngựa trời Nam – về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (1914 - 1977); Anh hùng Nguyễn Trung Trực - thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX ở Nam Bộ; Ngọn nến hoàng cung - về vua Bảo Đại và một số nhân vật lịch sử; Miền đất Phúc - nhân vật chính lấy nguyên mẫu từ chủ gốm sứ Minh Long thời trẻ; Chiến hạm nổ tung – về nữ tình báo Nguyễn Thị Lợi trong kháng chiến chống Pháp… 

Ngoài ra còn phim truyền hình Chàng trai cầu ông Me - về thời trẻ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Người cộng sự - về chí sĩ Phan Bội Châu ở Nhật Bản; Thái sư Trần Thủ Độ - thái sư cuối triều Lý đầu triều Trần thế kỷ XIII- XIV…

Huỳnh Đông vai thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong phim "Vó ngựa trời Nam" 

Thực tế đã cho thấy làm phim về nhân vật có thật, đặc biệt là nhân vật lịch sử luôn gặp nhiều khó khăn. Bởi từ quá trình tập hợp tư liệu, lên ý tưởng kịch bản, viết kịch bản chi tiết, chọn diễn viên, bối cảnh, đạo cụ cho đến hậu kỳ đều cần rất nhiều thời gian và sự chỉn chu. Để có được bộ phim Ngọn nến hoàng cung (dài 45 tập, công chiếu năm 2004), ê-kíp thực hiện đã dành hơn 7 năm (từ năm 1993) để hoàn thành kịch bản, gần 3 năm cho quá trình từ khởi quay đến hoàn chỉnh hậu kỳ. Hàng nghìn trang tư liệu, những ghi chép thư từ, hình ảnh được sưu tầm từ Nam ra Bắc, rồi từ Pháp,Trung Quốc... và rất nhiều “nhân chứng sống” xung quanh cuộc đời Bảo Đại, bà Từ Cung, Nam Phương Hoàng hậu… 

Gần đây, ê-kíp làm phim Em và Trịnh cũng dành hàng năm trời tìm kiếm tư liệu với sự hỗ trợ từ phía gia đình nhạc sĩ, đồng nghiệp, người hâm mộ... để hoàn thành kịch bản, chưa kể phần quay và hậu kỳ sắp tới. 

Bên cạnh khâu chuẩn bị tư liệu, kịch bản thì làm phim về nhân vật có thật luôn khó khăn để tìm diễn viên. Với những nhân vật mà khán giả biết rõ từ nhân dạng đến tính cách, tài năng thì càng khó khăn hơn. Thế nên có phim chỉ mới giới thiệu qua diễn viên sẽ đóng hay thử xuất hiện trong tạo hình của nhân vật, hoặc vừa tung ra trailer, công chiếu tập đầu đã gây tranh cãi về việc giống hay khác nhân vật. 

Mới đây, khi đoạn video clip của Phượng Khấu tung ra, một số khán giả nhận định NSƯT Thành Lộc không phù hợp đóng vua Thiệu Trị vì thiếu thần thái của bậc quân vương… Đạo diễn của phim giải thích rằng, ngoài NSƯT Thành Lộc thì khó ai có thể vào vai vua Thiệu Trị. Vì trong câu chuyện của Phượng Khấu, vua Thiệu Trị có nhân dáng của một nhà thơ, một vị vua hòa ái, nhân hậu, nho nhã. 

NSƯT Thành Lộc vai vua Thiệu Trị trong "Phượng Khấu"  

Nhìn chung, đa số phim Việt về nhân vật có thật trước đây đều chú trọng đến phần tinh thần hơn ngoại hình, bởi khó có thể tìm được diễn viên giống hệt nhân vật. Quan trọng nữa là diễn viên được chọn phải biết diễn xuất và lột tả được khí chất, tính cách nhân vật để khi xuất hiện trên màn ảnh khiến khán giả tin đó là nhân vật. Năm ngoái khi công bố dự án Em và Trịnh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thổ lộ: "Chúng tôi cần người ngoại hình na ná nhưng thể hiện được tinh thần lãng mạn, dịu dàng, chỉn chu trong cuộc sống, đam mê nghệ thuật của cố nhạc sĩ”. 

Trương Minh Quốc Thái (giữa) vai Bảy Viễn trong phim “Dưới cờ đại nghĩa”

Khi làm phim Hàn Mạc Tử (2004), đạo diễn Trần Mỹ Hà muốn xây dựng một Hàn Mặc Tử có tâm hồn trong sáng, chiều sâu nội tâm, có khát vọng mãnh liệt đối với tình yêu, cuộc sống và sự mạnh mẽ này được biểu hiện ở đôi mắt. Bởi vậy, đạo diễn đã để tâm tìm kiếm diễn viên cho vai này rất lâu. Cuối cùng chọn Lê Văn Anh – sinh viên Nhạc viện Hà Nội có khuôn mặt điển trai, thư sinh và tiềm năng diễn xuất qua đôi mắt. 

Lê Văn Anh vai Hàn Mạc Tử và hai nữ diễn viên chính của phim Hàn Mạc Tử

Trải qua nhiều lần thử vai, dù có những diễn viên gương mặt rất giống Bảo Đại nhưng cuối cùng đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng lại chọn Huỳnh Anh Tuấn. Vì Ngọn nến hoàng cung là phim lịch sử chứ không phải chép lại lịch sử, do đó chỉ cần diễn đúng tinh thần của nhân vật, còn hình thể, vóc dáng và cả cốt cách chỉ cần tương đối. Nữ diễn viên Yến Chi từng ngạc nhiên khi nhờ tài hóa trang của NTK Thế Bảo mà gương mặt của chị rất giống Hoàng hậu Nam Phương. Bởi vậy, chị chỉ còn lo diễn xuất cho thật sự đồng cảm với nhân vật. 

Khi phim phát sóng, Hoàng hậu Nam Phương qua thể hiện của Yến Chi không chỉ đẹp sang trọng, quý phái mà còn toát lên vẻ đẹp của trí tuệ, sự nhạy cảm với thời cuộc, lối sống mẫu mực, hiền hậu, giàu lòng thương người, hướng thiện nhưng luôn thẳng thắn, phân biệt rõ chính tà.

Huỳnh Anh Tuấn và Yến Chi vai Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương trên poster phim "Ngọn nến hoàng cung"

Huỳnh Đông từng chịu rất nhiều áp lực khi được chọn vào vai Huỳnh Văn Nghệ trong phim Vó ngựa trời Nam, vì tuổi đời còn trẻ, chưa từng trải trong cách mạng và phải thể hiện cho ra khí chất một nhà cách mạng văn võ song toàn. Có gương mặt và tướng mạo hao hao giống Huỳnh Văn Nghệ, cộng với sự giúp đỡ của đạo diễn Lê Cung Bắc trong việc phân tích nhân vật và chỉ đạo diễn xuất, Huỳnh Đông đã nhập vai rất tốt, đồng thời được giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc tại Cánh Diều Vàng 2010.

Đan Khanh