Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, làm việc với Tập đoàn Viettel

1/2/2024, 12:23

Sáng 01/02, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Sáng 01/02, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Chủ tịch nước đã đến thăm và kiểm tra các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của Viettel tại Hòa Lạc và làm việc tại trụ sở tập đoàn.

Dự buổi làm việc có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm và kiểm tra các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của Viettel tại Hòa Lạc. Nguồn ảnh: TTXVN

Báo cáo tại buổi làm việc, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel đã báo cáo kết quả nổi bật của Viettel.

Năm 2023, doanh thu của Viettel đạt 172,5 nghìn tỷ, tăng trưởng 5,4%; đóng góp cho ngân sách Nhà nước 38,9 nghìn tỷ đồng. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu hơn 25%.

Là doanh nghiệp công nghệ dẫn đầu tại Việt Nam, Viettel cũng là doanh nghiệp tiên phong và hiệu quả trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài với 10 thị trường tại 3 châu lục, trong đó chiếm vị trí số 1 về thị phần viễn thông tại 7 thị trường. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 5 năm gần nhất gấp 4 - 5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung của ngành Viễn thông thế giới.

Viettel đã xây dựng 2 hạ tầng ở quy mô quốc gia. Thứ nhất là hạ tầng viễn thông siêu băng rộng với 5 đường trục cáp quang nội địa, 3 hướng trục cáp quang quốc tế đi Trung Quốc, Lào, Campuchia trên đất liền, 4 đường cáp quang biển kết nối châu Á, châu Âu và châu Mỹ, gần 100.000 trạm phát sóng trong đó có hơn 55.000 trạm 4G phủ sóng tới 98% dân số Việt Nam. Thứ hai là hạ tầng số với mạng 5G đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố, hạ tầng IoT kết nối vạn vật, 13 trung tâm dữ liệu DC, lớn nhất Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ cao của Viettel. Nguồn ảnh: TTXVN

Đồng thời, Viettel đồng hành cùng Chính phủ thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các giải pháp xây dựng Chính phủ số đã được Viettel triển khai từ Trung ương tới địa phương, tiêu biểu như: Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e - Cabinet); hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; trung tâm điều hành đô thị thông minh; giải pháp và công cụ an ninh mạng,… Các giải pháp thúc đẩy kinh tế số, tiêu biểu như: Hệ sinh thái tài chính số (Viettel Money); nền tảng logistics thông minh; giải pháp chuyển đổi số phục vụ quản trị, điều hành doanh nghiệp,… Các giải pháp thúc đẩy Xã hội số tiêu biểu như các nền tảng y tế số; giáo dục số; giao thông số,…

Năm 2023, trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt, Viettel đã xây dựng trợ lý ảo tiếng Việt cho đội ngũ công chức Việt Nam. Năm 2024, Tập đoàn đặt mục tiêu xây dựng trợ lý ảo tiếng Việt cho từng công dân Việt Nam. 

Đặc biệt, Viettel là hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam. Viettel làm chủ các thiết bị hạ tầng mạng viễn thông trên cả 4 lớp mạng giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Viettel đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất hệ sinh thái sản phẩm 5G và thử nghiệm thành công trên mạng lưới, sẵn sàng thương mại hóa vào năm 2024, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Viettel cũng nghiên cứu thành công 2/3 chip set dành cho hạ tầng 5G.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Nguồn ảnh: TTXVN

Viettel cũng đã nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành Vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, theo mô hình tác chiến C5ISR hiện đại nhất trên thế giới, phù hợp với nhu cầu sử dụng, điều kiện tác chiến của Quân đội, một số có tính năng chiến - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hơn so với sản phẩm cùng loại trên thế giới. Các sản phẩm cung cấp cho quân đội vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.

Là doanh nghiệp số 1 về pháp nhân Việt Nam đăng ký và được cấp bằng sở hữu công nghiệp, Viettel hiện sở hữu 136 bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam, 30 bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ. Các công trình, sáng chế đều do các chuyên gia Việt Nam tự chủ từ nghiên cứu tới chế tạo, không những tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng chi phí nghiên cứu sản xuất mà còn đảm bảo bí mật tác chiến, an toàn thông tin, quyết định tới hiệu quả của hệ thống phòng thủ đất nước.

Nguồn: Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: