Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019)

Chiến thắng động Chiêm Giòng mừng sinh nhật Bác tuổi 80

Khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 80 năm Ngày sinh vị lãnh tụ kính yêu của mình cũng là lúc những người lính Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812 anh hùng dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn phó Nguyễn Phi Khương lập chiến công xuất sắc nơi địa đầu tuyến lửa.

Dẫu sau này trở thành đại tá, tham mưu trưởng sư đoàn, tổ chức đơn vị đánh nhiều trận, tham gia hầu hết các chiến dịch lớn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”, tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn-pốt, giải phóng nhân dân Cam-pu-chia, rồi chiến đấu giữ yên bờ cõi phía Bắc.., nhưng với ông, trận đánh tiêu diệt Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 54 Nguỵ ở động Chiêm Giòng (điểm cao 440, tây Hải Lăng - Quảng Trị) đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ lần thứ 80 là kỷ niệm sâu sắc nhất không hề nhạt phai trong ký ức đời lính của mình...

Ông là Đại tá Nguyễn Phi Khương – thương binh 2/4, nguyên là Tham mưu trưởng Sư đoàn 338 – Quân khu 1, hiện sinh sống tại khối phố 14, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh. Lên đường nhập ngũ từ tháng 5-1965, đảng viên trẻ Nguyễn Phi Khương đầu quân vào đội hình Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 hai lần anh hùng. Sau 3 tháng huấn luyện ở Nghệ An, ông cùng những người đồng đội của mình có mặt ở địa đầu tuyến lửa Quảng Trị, mười năm hành quân cùng dân tộc theo suốt cuộc trường chinh đánh Mỹ.

Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 812 khi trung đoàn tập kết ra Bắc, năm 1955 (Ảnh tư liệu của Trung đoàn 812)

“Ra đời giữa năm 1950, Trung đoàn 812 là lực lượng chủ lực cơ động trên địa bàn các tỉnh cực Nam Trung bộ, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, sau đó tập kết ra miền Bắc một thời gian dài. Từ năm 1966 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong đội hình Sư đoàn 324 anh hùng, trung đoàn có mặt chiến đấu trên chiến trường Trị - Thiên khói lửa và tham gia hầu hết các chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng, rồi thừa thắng tiến quân vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” – Đại tá Khương kể sơ lược về lịch sử trung đoàn của mình.

“Chiến trường thì ở đâu cũng ác liệt, cũng gian khổ, hy sinh, nhưng có lẽ những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị là dấu ấn không thể nào quên đối với mỗi người lính chúng tôi. Đó là những năm tháng giặc Mỹ liên tục thay đổi chiến lược, đề ra hàng loạt chính sách chống cộng nham hiểm, mà địa đầu tuyến lửa Quảng Trị là nơi được chúng chọn làm địa bàn thử nghiệm” – đại tá Khương tâm sự.

Sau khi lên cầm quyền năm 1969, Ních-xơn lộ rõ bộ mặt hung bạo và hiếu chiến, ráo riết thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” kéo dài và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Quảng Trị là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, được chọn thí điểm thực hiện chiến lược mới của Mỹ. Chúng điều về đây một số lượng quân lớn, lúc cao nhất lên đến 62 tiểu đoàn chủ lực, 10 tiểu đoàn pháo, 3 thiết đoàn xe tăng và xe bọc thép, hàng trăm đại đội bảo an, dân vệ… Ngoài ra, lực lượng không quân, hải quân ở các hạm đội ngoài khơi biển Đông sẵn sàng chi viện tối đa bất cứ lúc nào. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch lúc này diễn ra vô cùng ác liệt, địch dùng đủ mọi thủ đoạn đánh phá dã man mang tính phục thù khốc liệt gây cho ta nhiều tổn thất nặng nề.

Những người lính một thời cùng chung một chiến hào (Đại tá Nguyễn Phi Khương đứng thứ 3 từ trái sang)

“Buổi giao ban chiều ngày 18/5/1970 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Long chủ trì thông báo tin trinh sát mặt trận phát hiện một tiểu đoàn Nguỵ hành quân từ thị xã Đông Hà lên, đang co cụm tại động Chiêm Giòng thuộc điểm cao 440 ở phía tây Hải Lăng. Chỉ huy trung đoàn nhận định địch chuẩn bị lực lượng càn quét hậu phương và giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 4, lúc đó tôi là tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy phải tập kích tiêu diệt địch trước khi chúng thực hiện mưu đồ của mình. Khi giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn, chỉ huy trung đoàn nhấn mạnh, trận này bằng mọi giá phải đánh thắng để lập thành tích kính dâng lên Bác Hồ nhân kỷ niệm 80 ngày sinh và là sinh nhật đầu tiên sau gần một năm Người đi xa!” - Đại tá Khương bùi ngùi nhớ lại.

Chỉ có vài giờ chuẩn bị, tâm trạng của tiểu đoàn phó Khương lúc này xốn xang bao nỗi ưu tư. Trước mặt anh là đội hình toàn những gương mặt thân quen đã xanh xao vì trải nhiều ngày nhạt muối đói cơm, từng phải chia nhau từng gốc sung, củ sắn cầm hơi. Lát nữa đây vào chiến trận, chỉ cần một sơ suất của anh sẽ dẫn đến những đáng tiếc khôn lường. Dọc đường hành quân, âm thầm lặng lẽ nhìn khoé mắt đồng đội, Khương đã đọc hết tâm trạng của anh em. Trước mặt các anh là những ổ phục kích, là chông mìn, cạm bẫy, nhưng từ nỗi lòng thương kính Bác, quyết tâm diệt thù lại dâng lên trong anh và những người đồng đội. Càng đối mặt với quân thù, nỗi lòng nhớ Bác, thương Người không thoả ước nguyện được vào thăm miền Nam trước lúc đi xa càng đeo đuổi khôn nguôi.

“Khi đội hình hành quân còn cách vị trí địch co cụm đúng một quả đồi thì trời đổ mưa. Cơn mưa rừng xối xả phút chốc làm cho nước các con suối dâng nhanh, anh em phải chặt cây rừng làm cầu tạm mới qua được. Cơn mưa hiếm hoi giữa tiết tháng Năm làm địch chủ quan giúp cho việc nghi binh của ta được thuận lợi hơn, như là một điềm lành tiếp thêm niềm tin chiến thắng để anh em chúng tôi vào trận đánh” – ông Khương giải thích cho tôi hiểu thêm về chiến thuật nghi binh trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Phi Khương và những kỷ vật thời chiến

Đúng 5 giờ sáng 19/5, khi ba mũi tiến công của tiểu đoàn phối hợp với đại đội đặc công tăng cường đã vào vị trí tập kết, lệnh nổ súng của tiểu đoàn phó Khương được phát đi. Sau loạt mìn định hướng xé rạch trời, tiếng súng mỗi lúc một rộ lên. Bốn bề ran súng nổ. Ở hướng chủ yếu, mũi đột kích của đại đội 20 đặc công do dũng sĩ Lê văn Chớ làm mũi trưởng nhào lên áp sát sở chỉ huy địch. Từ tuyến phòng ngự, địch bắn ra như vãi đạn, mũi trưởng Lê Văn Chớ trúng đạn ở bụng, ruột lòi ra, để tiếp tục chiến đấu, anh đã đẩy ruột vào tiếp tục xông lên diệt địch đến khi lịm hẳn trong vòng tay đồng đội.

Sau hơn một tiếng đồng hồ giằng co với địch, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 54 Nguỵ. Cùng lúc này, lực lượng chi viện của địch từ Đakrông nã pháo cối dồn dập lên động Chiêm Giòng, súng cối từ căn cứ Côcava cũng bắn sang, đồn Chiêng Đông, Coóc Bai bắn về, rồi phi đội bay từ Cửa Việt xuất kích lên vây kín đội hình tiểu đoàn quân giải phóng. Bình tĩnh triển khai đội hình chiến đấu, tiểu đoàn phó Khương phối hợp với quân ứng cứu của Trung đoàn tổ chức tránh hoả lực địch, đánh máy bay tiếp vận. Quân ta tổ chức nghi binh, dùng bè mảng có người rơm vượt sông “nhử” cho máy bay địch sà xuống, lợi dụng thời cơ các trận địa pháo nhả đạn. Đơn vị bố trí hoả lực hai tầng, tầng dưới là bộ binh, tầng trên là các loại súng máy tầm xa và đại liên ở ngang sườn núi và ở hai đầu đối diện với đường bay để bắn máy bay bay thấp.

“Trận ấy, trận đầu tiên đơn vị tôi bắn rơi 4 máy bay trực thăng và bắn bị thương 1 chiếc trong số 5 trực thăng tiếp vận. Điều thú vị nhất là đơn vị đã nẩy ra sáng kiến chặt 2/3 cây con buộc vào 2 cây sào kéo che kín trận địa pháo, khi bắn thì mở ra, không cần thì kéo lại và đưa súng vào hầm, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị vũ khí” – Đại tá Khương chưa quên trận quyết tử năm nào.

Gần 9 giờ sáng ngày 19/5/1970, động Chiêm Giòng lặng im tiếng súng. Đúng vào giờ khắc thiêng liêng, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 80 năm Ngày sinh vị lãnh tụ kính yêu của mình cũng là lúc những người lính Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812 anh hùng dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn phó Nguyễn Phi Khương lập chiến công xuất sắc nơi địa đầu tuyến lửa.

CCB Trung đoàn 812 trở lại động Chiêm Giòng tìm kiếm hài cốt đồng đội hy sinh trong trận quyết tử ngày 19/5/1970

Đi giữa trận địa pháo ngổn ngang xác giặc bị thiêu rụi vì sức nóng của hoả tiễn và sức công phá của thủ pháo, Khương lại càng nhớ đến Bác, anh cứ ước ao ngày hoà bình đến thật nhanh, để không còn cảnh đầu rơi máu chảy, để hai miền Nam - Bắc được sum vầy như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong ước! Chiến thắng động Chiêm Giòng cũng là lời báo công có ý nghĩa nhất được toàn mặt trận Trị Thiên - Huế học tập rút kinh nghiệm trong lễ kỷ niệm 80 năm Ngày sinh nhật Bác.

Văn Nguyễn