(HTV) - Ngày 14/5, Hội đồng Châu Âu đã thông qua đạo luật cải tổ mang tính bước ngoặt đối với các chính sách di cư và tị nạn của khối.
Hiệp ước di cư mới bao gồm các điều luật về thắt chặt kiểm soát biên giới và chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia thành viên.
Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn được Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra vào tháng 9/2020, trong bối cảnh chính sách di cư của EU đã bị thách thức nghiêm trọng kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.
Hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2026, đã được hầu hết các nước thành viên chấp thuận, trừ Hungary và Ba Lan.

Người di cư được cứu hộ trên Địa Trung Hải. Các quy định mới, có hiệu lực vào năm 2026, đưa ra các hướng dẫn sàng lọc những người xin tị nạn ở EU. Nguồn ảnh: SOS Mediterranee
Theo quy định mới, những người xin tị nạn sẽ được sàng lọc trong vòng vài ngày sau khi đến EU và thông tin chi tiết của họ sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của EU. Việc sàng lọc này nhằm xác định xem một người có thể gây rủi ro hay không và cơ hội được phép ở lại Châu Âu của họ.
Các quốc gia nơi người di cư đến lần đầu sẽ có thể chuyển một số lượng người xin tị nạn nhất định sang các quốc gia thành viên EU khác.
Nếu một quốc gia cho rằng họ đang gánh quá nhiều gánh nặng, quốc gia đó sẽ có thể yêu cầu trợ giúp nhiều hơn. Trong trường hợp khủng hoảng, tất cả 27 quốc gia thành viên sẽ cùng nhau quyết định.
Hiệp ước mới cũng sẽ cho phép trục xuất người di cư về quê hương hoặc quốc gia nơi họ quá cảnh nhanh hơn, nếu những nước này được tuyên bố là an toàn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9