Tuy xa nhau nhưng trái tim mãi luôn gần nhau

Chiến tranh không chỉ có bom đạn, máu đổ và hi sinh, mà đâu đó vẫn có những tình yêu được ươm mầm trong xa cách, chia ly. Đó là chuyện tình của ông Lê Mạnh Hùng (72 tuổi) và bà Đặng Thị Phụng (62 tuổi).

Ông Lê Mạnh Hùng và bà Đặng Thị Phụng

Kết hôn đã 42 năm, có hai con (một trai, một gái) nhưng cả ông Hùng và bà Phụng vẫn nhớ như in ngày đầu gặp gỡ. Cơ duyên giữa chàng trai Mạnh Hùng cùng với cô gái xinh xắn tên Phụng lại được thông qua lời “mai mối” của anh trai. Anh nói mình có một người bạn cùng quân ngũ, có khiếu “kể chuyện khá hay” làm bà tò mò, để ý. Thế nhưng đến khi gặp trực tiếp, bà thất vọng và ngỡ ngàng khi thấy ông trong bộ quần áo bộ đội với “nét mặt già và xấu” nên không để ý. Ngày ấy, ông khá gầy vì từng mang bệnh sốt rét tưởng chừng chết giữa chiến trường, lại rơi vào trầm cảm dẫn đến mắc bệnh tâm thần trong sáu tháng. Vốn ấn tượng ban đầu không đẹp, bà Phụng không chịu đối tượng do anh trai giới thiệu.

Trước đó, ông Hùng đã trúng “tiếng sét ái tình” khi vô tình thấy một ánh mắt “đẹp liếc qua” khiến ông giật mình ngây ngất. Bỏ dở công việc đang làm, ông vội vàng tìm kiếm. Thế nhưng, giống như ông trời trêu chọc, ông tìm mãi lại không thấy. Đến khi bước vào nhà người bạn thì ông mới biết “người tình trong mộng” là em gái của bạn mình, nên ông đề nghị: “Thế thì xắn tay giúp tôi với”.

Tìm được “người trong mộng”, ông Hùng vội vã thực hiện chiến lược tấn công của mình

Với giọng kể đầy dí dỏm, hài hước, ông Hùng cho biết ông đã chủ động nhờ sự trợ giúp của người bạn để đánh bại tất cả “vệ tinh” xung quanh cô Phụng. Nhận được sự hậu thuẫn từ anh trai cùng hai người bố là bạn chiến đấu thời du kích nên gia đình ông Hùng đánh liều đi “dạm ngõ”. Chia sẻ chân thành của ông làm cho Ngọc Lan bật cười thích thú, riêng MC Quyền Linh lại gật gù vì sự thuận lợi trong “chiến thuật tấn công” của người lính lão làng này.

Đắn đo giữa sự không thích về ngoại hình nhưng lại “có cảm giác” với giọng ca làm bà Phụng băn khoăn. Sau ngày đám hỏi, ông phải vào đơn vị khiến cho bà có cảm giác chông chênh vì không hề được trò chuyện một lời nào.

Những ngày đằng đẵng chờ đợi trong xa cách, có lúc bà muốn từ bỏ nên đã than thở với bố mình: “Con không lấy anh Hùng đâu”. Bà quyết định đăng ký thanh niên xung phong sau khi nghe được những lời không hay từ hàng xóm, vì thấy bà lấy phải “chồng già”. Mẹ chồng bà cật lực phản đối khi biết tin bà trúng tuyển vào lực lượng thanh niên xung phong.

Cuộc sống khó khăn buổi đầu làm dâu bắt đầu với cô gái trẻ khi vừa chăm sóc gia đình trong khi chồng vắng nhà 

Những dòng thư với hi vọng ông hãy coi bà như là một người em gái sau bao đêm trăn trở bà mới có thể đặt bút viết ra. Thế nhưng ngược lại khi nhận được lời hồi âm đã khiến bà áy náy: “Dù em đi bốn biển phương trời, bằng giá nào anh vẫn tìm đến em”. Một lần nữa, ông Hùng ray rứt khi biết người yêu phải “chịu tang bố chồng” mặc dù chưa chính thức về làm dâu, nên sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, ông vội ngỏ lời hỏi cưới. Mặc dù trong lòng không hề mong muốn nhưng lại sợ điều tiếng dư luận nên bà đành phải gật đầu đồng ý.

Đám cưới diễn ra trong hoàn cảnh thời chiến, việc tổ chức với những lễ nghi đơn giản, trang phục cô dâu, chú rể chủ yếu là quần áo bộ đội. Cưới được ba ngày đã phải lên đường chiến đấu suốt, mãi đến 1984 người con gái đầu lòng của cả hai mới chào đời. Những gì ông dành cho gia đình thường gắn liền với hai từ “tranh thủ”, nào là tranh thủ về thăm cha mẹ, tranh thủ về thăm vợ con… 

Có chồng là bộ đội lại thường phải đi xa, nên những khó khăn như chăm sóc con cái, dạy học cho con thường một tay bà Phụng lo toan. Bên cạnh những lo lắng, nhớ thương chồng, bà vừa làm công tác, vừa nuôi dạy hai con. Tuy rất vất vả, đầy gian khó nhưng bà lại rất đỗi kiên cường, bởi bà nghĩ “hậu phương có vững vàng thì tuyền tuyến mới có thể vững tâm bảo vệ Tổ quốc”. 

Những lời tâm sự của con gái đã làm cho ông Hùng xúc động rơi nước mắt

Ngọc Lan ngỏ lời khâm phục bà Phụng khi bà chia sẻ những nỗi khó khăn, vất vả của mình với tâm trạng bình thản, thoải mái. Chỉ đến lúc ông Hùng nghỉ hưu thì hai ông bà mới được sống cùng với nhau. 42 năm kể từ lúc lập gia đình đến hiện tại, bà Phụng xác định “chưa hề có năm nào được hưởng hạnh phúc”. 

Thông qua chương trình, con gái của ông bà cũng gửi tâm sự rất tự hào vì được làm con người lính, tự hào vì những gì được bố mình dạy bảo. Chị mong ông bà luôn có thật nhiều sức khỏe để sống thật lâu với con cháu.

Chương trình "Tình trăm năm" phát sóng vào lúc 18g thứ Bảy hàng tuần trên HTV7.

Khánh Linh