Trò chơi truyền hình góp phần quảng bá ẩm thực

Không đơn thuần là chương trình mang tính giải trí hay hướng dẫn nấu ăn, trò chơi truyền hình (truyền hình thực tế, gameshow) về ẩm thực còn được lồng ghép những câu chuyện đầy tính nhân văn, tôn vinh và quảng bá văn hóa ẩm thực.

“Thiên đường ẩm thực” luôn dẫn đầu về số lượng khán giả đón xem

Với slogan "Ăn không chỉ để no, ăn còn lo cho sức khỏe", Thiên đường ẩm thực luôn dẫn đầu về rating khán giả - đặc biệt là giới trẻ - với hàng loạt clip triệu view. Thiên đường ẩm thực cũng là chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực có “tuổi thọ” lâu đời nhất hiện nay. Hiện Thiên đường ẩm thực mùa 6 đang quay trở lại mang đến một làn gió mới, tôn vinh nét văn hóa ẩm thực đường phố của Việt Nam, cùng những trò chơi như cướp cờ, chơi u, đập heo, đẩy gậy… được cải biến từ các trò chơi dân gian quen thuộc. 

Thực khách vui vẻ lại là cuộc hành trình khám phá ẩm thực đầy thú vị của hai nghệ sĩ qua khắp các địa điểm ăn uống. Theo chân họ, khán giả sẽ được biết đến từ những món ăn đường phố cho đến những món ăn độc lạ và cách thức làm ra chúng. Họ cũng sẽ có thêm gợi ý các món ăn, địa điểm mới lạ cho lịch trình vui chơi cùng bạn bè và người thân. Góc bếp thông minh – một trò chơi mới vừa ra đời cũng nhanh chóng tạo ấn tượng cho khán giả, khi vừa khám phá các món ăn ngon của Việt Nam và thế giới, vừa chứng kiến sự tung hứng vui nhộn của các nghệ sĩ tham gia. Bên cạnh các món ăn độc lạ thì những món ăn truyền thống, dân dã mang đậm bản sắc của vùng miền xuất hiện trong chương trình giúp khán giả hiểu về giá trị văn hóa dân tộc ẩn sâu trong hương vị ẩm thực. 

“Góc bếp thông minh” mới ra đời đã tạo được ấn tượng tốt

Bản sao hoàn hảo đem đến những hình ảnh sôi động của một Việt Nam thời đại mới, con người Việt Nam thân thiện và hiếu khách, ẩm thực Việt Nam tươi ngon và tinh tế. Tham gia chương trình, các nghệ sĩ được trải nghiệm, khám phá những bí ẩn đằng sau những món ăn bình dị, giản đơn nhưng ngon nức lòng thực khách với nhiều phong cách ẩm thực đặc sắc ở khắp trong Nam ngoài Bắc. Khán giả cũng sẽ “bỏ túi” thêm nhiều quán ăn ngon, nhiều công thức chế biến món ăn hấp dẫn cho gia đình.

Lấy chủ đề du lịch - ẩm thực, mỗi nơi chương trình Ẩm thực kỳ thú đi qua như: Hà Nội, Sa Pa, Lai Châu, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết... giúp khán giả khám phá nét đẹp thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực của những vùng miền khắp Việt Nam. Chương trình mới nhất vừa ra mắt Ăn đi rồi kể với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt – Hàn thông qua các món ăn có lợi ích cho sức khỏe còn chia sẻ về ẩm thực và văn hóa truyền thống của hai quốc gia.

Từ nhiều năm trước, trên sóng truyền hình đã có các chương trình khoa giáo, dạy nấu ăn như: Bữa cơm gia đình, Món ngon mỗi ngày, Bảy phút cho buổi sáng… Thời trò chơi truyền hình xuất hiện và nở rộ, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khán giả, hàng loạt gameshow, truyền hình thực tế về chủ đề ẩm thực lần lượt ra đời như: Mastechef Việt Nam, Vua đầu bếp, Vua đầu bếp nhí, Khi chàng vào bếp, Khẩu vị ngôi sao, Chiếc thìa vàng, Bếp cười cùng sao, Đấu trường ẩm thực, Mỹ nhân vào bếp, Cuộc chiến mỹ vị, Chuẩn cơm mẹ nấu, Truy tìm siêu đầu bếp, Bếp vui bùng vị… Ngay cả khi các trò chơi chủ đề thi tài năng hay hài hước chiếm vị trí áp đảo trên các khung “giờ vàng” thì trò chơi khai thác đề tài ẩm thực vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem mỗi tập. 

“Bản sao hoàn hảo” giới thiệu về ẩm thực Việt đặc sắc và con người Việt hiếu khách

Cùng với việc duy trì và cải tiến, đổi mới của một số trò chơi mùa tiếp theo để hài lòng khán giả khó tính, hàng năm đều có các trò chơi về ẩm thực liên tục ra mắt với sự đa dạng, phong phú và đặc sắc, mới lạ trong nội dung, hình thức thể hiện. Chẳng hạn như Bếp chiến lồng ghép ẩm thực với chủ đề hôn nhân, gia đình. Còn trong trò chơi Ẩm thực kỳ duyên các cô gái tham gia có cơ hội chọn người yêu sau khi thử thách các nam thí sinh về kiến thức và kỹ năng ẩm thực. 

Bếp vui bùng vị là chủ để gia đình kết hợp với ẩm thực vừa lãng mạn - hài hước - bất ngờ - gay cấn và hồi hộp, mang đến cho khán giả nhiều thú vị và những giây phút thư giãn cùng những món ăn đầy hấp dẫn, sáng tạo do các thí sinh thể hiện. Chương trình còn gợi ý công thức, hướng dẫn cách chế biến món ăn, giới thiệu giá trị dinh dưỡng thực phẩm hay khơi dậy và động viên những người có niềm đam mê với nấu ăn. 

“Ẩm thực kỳ duyên” là sự kết hợp giữa chủ đề ẩm thực và se duyên

Một số gameshow như Thiên đường ẩm thực, Góc bếp thông minh… thì kết hợp giữa ẩm thực và vận động có lợi cho sức khỏe. Cũng để thêm sức hút, mang đến sự thoải mái và hài hước một số trò chơi về ẩm thực không thể thiếu sự xuất hiện của nghệ sĩ. Ngoài việc thưởng thức tài nấu ăn của các nghệ sĩ, khán giả còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ mang tính ngẫu hứng, vui nhộn…  

Nhìn chung, ở khía cạnh nội dung và cách thức thể hiện nhiều trò chơi truyền hình về đề tài ẩm thực cho thấy rất rõ: chúng không chỉ đơn thuần là giải trí hay khai thác tối đa tài năng của các đầu bếp, hướng dẫn ăn uống lành mạnh và có lợi cho sức khỏe, khuyến khích và cổ vũ người chơi, khách mời hay khán giả “siêng” vào bếp nấu các món ăn ngon, hoặc tự tin thể hiện tài bếp núc của mình mà còn gửi gắm, lồng ghép thông điệp tôn vinh và quảng bá văn hóa ẩm thực thông qua những câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ và ý nghĩa của các món ăn. 

“Bếp chiến” giàu ý nghĩa nhân văn khi kết hợp chủ đề ẩm thực và gia đình 

Từ lâu, ẩm thực đã được xem là một trong những chìa khóa quảng bá văn hóa quốc gia hiệu quả được nhiều nơi trên thế giới áp dụng. Xu hướng đầu tư sản xuất các trò chơi (truyền hình thực tế, gameshow) về ẩm thực trên truyền hình hiện nay là đáng khích lệ và trân trọng. Và được hưởng lợi hơn cả luôn là khán giả, vì vậy các trò chơi truyền hình về đề tài ẩm thực vẫn luôn được họ ủng hộ.

Đan Khanh