Trước tâm tư của cử tri về việc lựa chọn cán bộ khi sắp xếp bộ máy, sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là vấn đề "then chốt của then chốt", phải chọn người đủ tầm, đủ tư duy, đủ trách nhiệm.
Sáng 17/4, trước thềm kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu ý kiến về đề án sáp nhập tỉnh, thành đang được quan tâm. Cử tri cho biết người dân đồng tình, ủng hộ chủ trương này với mong muốn có thêm nguồn lực chăm lo y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Nguồn ảnh: Vietnamnet
Với tài sản công và các trụ sở cơ quan dôi dư sau sáp nhập, cử tri đề nghị có giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí, có thể xem xét chuyển đổi công năng thành trường học, cơ sở y tế, nhà ở xã hội…
Cơ quan nhà nước không phải "nơi trú chân an toàn"
Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Hội nghị Trung ương 11 vừa qua đưa ra nhiều quyết sách chiến lược, trong đó có chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính, chuyển mô hình thụ động sang phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển đất nước.
Việc sắp xếp này được xác định trên tinh thần đột phá, mở rộng không gian phát triển mới. Điều này không chỉ giảm chi phí hành chính mà còn tạo dư địa phát triển; giúp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân.
Khi bộ máy tinh gọn sẽ giúp giảm biên chế, giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách để dành nguồn lực cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Theo Tổng Bí thư, ở giai đoạn 1, Trung ương đã gương mẫu làm trước với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc... và được đánh giá rất tốt; không ảnh hưởng đến hoạt động đối nội, đối ngoại, đến sự phát triển nói chung.
Với giai đoạn 2, Tổng Bí thư nêu rõ phải phân cấp cụ thể Trung ương, tỉnh thành và xã làm gì, nhằm khắc phục bất cập trước đây khi có 1 nhiệm vụ nhưng cả 3 cấp cùng làm, không rõ ranh giới và trách nhiệm.
“Trung ương phải lo chiến lược, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, còn lại phân cấp cho địa phương. Tổ chức lại cấp xã theo hướng đây là cấp chính quyền gần dân nhất, phục vụ mọi yêu cầu của nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân. Tất cả vấn đề của dân, xã phải nắm được hết” - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng lưu ý việc sắp xếp cấp xã cần tránh 2 khuynh hướng. Thứ nhất là sáp nhập xã, phường quá rộng như một "cấp huyện thu nhỏ", dẫn đến không quán xuyến, không phục vụ được nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 17/4. Nguồn ảnh: Vietnamnet
Thứ hai là sáp nhập xã, phường quá nhỏ dẫn đến hạn chế không gian cũng như dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn, cồng kềnh và kém hiệu quả.
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân phải làm ở cấp xã, phường. Ông nêu tinh thần không để người dân phải lên tỉnh, thành phố hay Trung ương; việc gì quá thẩm quyền thì xã báo cáo lên tỉnh, thành phố.
Trước tâm tư của cử tri về việc lựa chọn cán bộ khi sắp xếp bộ máy, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề "then chốt của then chốt", phải chọn người đủ tầm, đủ tư duy, đủ trách nhiệm.
“Bộ máy cơ quan nhà nước không phải nơi trú chân an toàn, một người cá nhân chủ nghĩa không có chỗ trong bộ máy đó” - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Về tài sản công và trụ sở dôi dư sau sáp nhập, Tổng Bí thư cho biết sẽ không có sự lãng phí nếu tính toán phương án sử dụng phù hợp. Ông đưa quan điểm cần ưu tiên dùng trụ sở các cơ quan dôi dư sau sáp nhập cho trường học và y tế, có thể tính toán dùng cho hoạt động công cộng phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao của người dân.

Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu không để người dân phải lên tỉnh, Trung ương để giải quyết thủ tục hành chính. Nguồn ảnh: Vietnamnet
Không thể chậm trễ hơn và không thể lãng phí thời gian
Tổng Bí thư cũng đề cập một nội dung lớn được Trung ương bàn thảo, đó là việc chuẩn bị Đại hội 14, trong đó có hoàn thiện các dự thảo văn kiện.
Dự thảo có nhiều điểm mới như xác lập mô hình tăng trưởng mới, xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của kinh tế quốc gia, tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số….
Tổng Bí thư đề cập 3 nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, mà trước hết là duy trì hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, để mọi người dân được sống trong hòa bình, ổn định và hạnh phúc.
Tổng Bí thư nêu về 2 mục tiêu 100 năm, trong đó xác định đến năm 2045, Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Ông đặt vấn đề: "Định nghĩa thu nhập cao là như thế nào? Là người dân có thu nhập trung bình 20.000-25.000 USD. Chúng ta hiện giờ chưa được 5.000 USD, so với định mức thu nhập cao còn thiếu 15.000-20.000 USD nữa, nên ta không thể chậm trễ hơn và không thể lãng phí thời gian”.
"Thế giới phát triển rất nhanh và không đợi chúng ta, nếu để khoảng cách quá xa thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu" - Tổng Bí thư chia sẻ.
Nguồn: Vietnamnet
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9