Sẵn sàng nắm bắt xu thế và làm chủ công nghệ truyền hình thời 4.0

Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược trên toàn cầu. “Cơn sóng thần” kĩ thuật số ập đến, nó tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nhiều ngành nghề, từ chính trị đến kinh tế, xã hội.


Ông Trần Đăng Khôi – Giám đốc Trung tâm sản xuất chương trình - Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh

Và “Truyền thông là một trong những lĩnh vực tiên phong tiếp xúc với các biến động xã hội, dĩ nhiên, không thể thoát ra ngoài quỹ đạo của xu thế này” – Ông Trần Đăng Khôi – Giám đốc Trung tâm sản xuất chương trình - Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) cho biết.

Công nghiệp 4.0 tạo ra những thách thức gì cho ngành truyền hình truyền thống?

Ông Trần Đăng Khôi: Các đơn vị báo chí - truyền thông lớn trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang đứng trước thách thức vô cùng to lớn, ảnh hưởng đến sự sống còn. Đầu tiên là về công nghệ sản xuất. Trước đây, khi nói về truyền hình, chúng ta hình dung ngay là những ăng-ten phát sóng, những tháp truyền hình thật cao. Những nhà sản xuất nội dung mặc định rằng, để cho ra được một sản phẩm truyền hình hoàn chỉnh, bắt buộc phải có ê-kíp sản xuất hùng hậu cùng trang thiết bị chuyên dụng, đắt tiền. 

Thế nhưng hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, các thiết bị sản xuất chương trình ngày càng rẻ và tiện dụng. Do đó, việc sản xuất một sản phẩm truyền hình đã gọn nhẹ hơn. Thậm chí, một phóng viên vẫn có thể sản xuất một sản phẩm truyền hình với chất lượng kỹ thuật tương đối chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Điều này đồng nghĩa với việc, có nhiều nhà sản xuất nội dung có thể tham gia và thúc đẩy tính cạnh tranh trong thị trường truyền thông.


HTV thực hiện chương trình “Word cup 2018”

Kế đến là thay đổi về phương tiện quảng cáo. Sự thay đổi công nghệ, đặc biệt là thiết bị xem truyền hình ngày càng gọn nhẹ, dẫn đến thay đổi thói quen người xem. Điều đó làm chuyển dịch mạnh các nguồn quảng cáo. 

Quảng cáo trên báo in sụt giảm về số lượng kéo theo doanh thu của thể loại này giảm từ 10-30% hàng năm. Thay vào đó là phát triển quảng cáo trên báo điện tử, mạng xã hội và các nền tảng số khác. 

Ngoài ra, trên các nền tảng số, các nhãn hàng/nhà quảng cáo có thể tự chạy các chiến dịch quảng cáo động. Công tác kiểm duyệt và thủ tục đơn giản với chi phí thấp nhưng vẫn mang lại hiệu quả. Tính chất quảng cáo trên các nền tảng số là sáng tạo, đa dạng, cải tiến liên tục, cách đánh giá hiệu quả chính xác, tức thời, đúng khách hàng mục tiêu nên càng thu hút nhiều nhãn hàng/nhà quảng cáo sử dụng. 

Thói quen người xem thay đổi cũng trở thành một thách thức đối với ngành truyền hình. Theo các nghiên cứu mới nhất của công ty Kantar Media (một trong những công ty hàng đầu về nghiên cứu thị trường cho lĩnh vực truyền thông), khán giả ngày nay, nhất là khán giả trẻ có thói quen xem các video đăng tải trên nền tảng số nhiều hơn xem truyền hình truyền thống. 

Tại Việt Nam, dù truyền hình vẫn còn giữ vị trí dẫn đầu trong các loại hình truyền thông đại chúng, đã bắt đầu có những dấu hiệu sụt giảm về doanh thu theo sự sụt giảm chung của toàn thị trường. Sự sụt giảm  này đến từ việc xuất hiện các nền tảng số như Youtube, Facebook, Netflix, … đã làm thay đổi thói quen xem của một số nhóm khán giả. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.

Xu hướng phát triển của ngành truyền hình tại Việt Nam?

Ông Trần Đăng Khôi: Đối với các đài truyền hình, đây là lúc nhìn lại cách thức vận hành hệ thống, điều chỉnh, tối ưu hóa qui trình để tương thích với quá trình chuyển đổi số. Song song đó, các đài truyền hình truyền thống bắt buộc phải làm mới nội dung lẫn cách thể hiện, sao cho hấp dẫn, phù hợp với khán giả ngày nay hơn.

Vì lí do trên nên các đài truyền hình lớn ở Việt Nam, có thể nhận thấy trong thời gian gần đây, số lượng các chương trình giải trí đầu tư kinh phí lớn, hoành tráng vẫn được duy trì. Các show truyền hình đình đám trên giới vẫn được các đài truyền hình lớn mua format thực hiện, Việt hóa và sản xuất liên tục theo đúng văn hóa và khẩu vị thưởng thức của người xem Việt Nam. 

Riêng với HTV, vẫn duy trì việc sản xuất và phát sóng các show truyền hình hấp dẫn, kinh phí đầu tư cao. Có thể kể đến như Running man Vietnam - Chạy đi chờ chi, chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng của Hàn Quốc, được thực hiện bởi sự hợp tác của HTV và SBS - Hàn Quốc cùng sản xuất với Madison Media Group và Lime Entertainment; Nhanh như chớp - Lightning Quiz, được thực hiện bởi sự hợp tác của HTV và Workpoint Entertainment – Thái Lan cùng sản xuất với Công ty Cổ phần Đông Tây Promotion; Thách thức danh hài - Crack Them Up Vietnam được thực hiện bởi sự hợp tác của HTV và Eccho Rights – Thụy Điển cùng sản xuất với Công ty Truyền thông và Giải trí Điền Quân,… Bên cạnh đó, các giải thể thao lớn ở Việt nam và thế giới cũng được HTV mua bản quyền và tổ chức sản xuất để phục vụ nhu cầu thưởng thức các chương trình thể thao của đông đảo người xem Việt Nam. 


Chương trình “Chạy đi chờ chi”

Những năm gần đây, với sự phát triển ngày càng sâu và rộng của Internet, số lượng các nền tảng cung cấp nội dung video cũng nở rộ. Các ứng dụng OTT (Over-the-top) là các ứng dụng  truyền, chia sẻ dữ liệu (âm thanh, hình ảnh, nội dung video…) trên nền internet bởi một bên thứ 3 (ngoài người dùng và nhà cung cấp dịch vụ Internet) thu hút người dùng ngày càng nhiều. Các ứng dụng OTT cung cấp nội dung video thông dụng ở Việt Nam hiện tại có thể kể đến là: Netflix (Mỹ, có thu phí người xem), Youtube (Mỹ, miễn phí cho người xem), HBO Go (Mỹ), FIM+ (Việt Nam), FPT Play (Việt Nam), HTVC (Việt Nam), WeTV (Trung Quốc),…

Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, ... cũng xem việc phát triển các nội dung video là một trong những dịch vụ cốt lõi cho ứng dụng của mình. Thêm vào đó, các dịch vụ truyền hình cáp truyền thống cũng dần được thay thế bằng dịch vụ truyền hình Internet, với công nghệ vượt trội.


Chương trình “HTV và Bạn  - Chào Xuân”

Một trong những ứng dụng thú vị nhất mà OTT mang lại cho người dùng là sự đồng nhất trải nghiệm về nội dung trên đa nền tảng, đa thiết bị. Các nền tảng này sẽ giúp người dùng dễ dàng tiếp cận nội dung mà họ muốn xem. Một ví dụ đơn giản về sự tiện lợi của nội dung đa nền tảng là khi bạn xem bộ phim Diên Hi Công Lược tập cuối đến phút thứ 17 trên TV thông minh (ứng dụng HTVC) tại phòng khách thì lại có việc phải làm, bạn tắt TV, đến một điểm dừng khác như quán cafe, dùng smartphone để xem tiếp tập phim cũng trên ứng dụng HTVC, ngay tại phút bạn dừng ở nhà. Điều này mang lại cho bạn một sự trải nghiệm xuyên suốt về nội dung ở nhiều thiết bị khác nhau một cách dễ dàng. Ngoài ra, bạn có thể xem thêm các clip ngắn về diễn viên, các clip hậu trường của phim ngay trên ứng dụng, điều không thể thực hiện được khi xem truyền hình truyền thống.

Do đó, khái niệm truyền hình hiện đại nên cần định nghĩa lại theo hướng mở hơn, linh hoạt hơn trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Truyền hình không còn có nghĩa là ngồi xem 1 chương trình 30 phút hay 1 giờ trước màn hình TV, mà giờ đây truyền hình phải bao gồm tất cả nội dung video được xem trên bất kỳ màn hình nào (TV, điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, các thiết bị di động khác …) và được truyền dẫn qua bất kỳ phương thức nào.


Chương trình truyền hình thực tế cho ô tô địa hình 

Trước những thách thức của công nghệ 4.0, Trung tâm Sản xuất Chương trình (TTSXCT) đã và sẽ chuẩn bị gì để bắt nhịp với xu hướng truyền hình hiện đại?

Ông Trần Đăng Khôi: TTSXCT là một trong những đơn vị sản xuất chương trình chủ lực của HTV với chức năng chính là phối hợp tổ chức sản xuất các chương trình phát sóng; sản xuất các chương trình theo chủ trương xã hội hóa của HTV. 

TTSXCT đã từng bước vượt qua thách thức, kiện toàn hệ thống, tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất hiện đại, đưa chất lượng chương trình tiếp cận với truyền hình của các nước trong khu vực. Cụ thể như thử nghiệm để đưa vào quy trình sản xuất chuẩn hình ảnh chất lượng 4K; đầu tư thiết bị hỗ trợ quay hình hiện đại; nghiên cứu phát triển hệ thống sản xuất âm thanh vòm đa kênh. 

Song song đó, để đón đầu làn sóng chuyển đổi số, TTSXCT tập trung xây dựng đội ngũ, đầu tư thiết bị, thiết lập quy trình sản xuất chương trình truyền hình cho việc sản xuất chương trình đa nền tảng, đa phương tiện để đáp ứng nhu cầu xem mọi nơi, mọi lúc, trên mọi thiết bị.

Tóm lại, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, truyền hình muốn tồn tại và phát triển, phải tạo sự khác biệt qua việc phát huy lợi thế của mình. Đó là đẩy mạnh những chương trình chất lượng cao, được đầu tư công nghệ hiện đại (đặc biệt trong lĩnh vực giải trí và thể thao). Từ đây, sự cạnh tranh lành mạnh của chính các kênh truyền hình truyền thống cũng sẽ thổi bùng thêm sự sôi động cho lĩnh vực truyền hình. Có vậy mới đáp ứng được nhu cầu thưởng thức chương trình truyền hình ngày càng cao của khán giả. 


Chương trình “Thách thức danh hài”

Thu Thủy