Truyền hình thế giới

Sitcom Mỹ và những trùng lặp

Sau hàng chục năm thành hình, Sitcom cũng bắt đầu rơi vào những vòng xoay tình tiết mòn vẹt như lốp xe, vào những câu chuyện tuy chưa lỗi thời nhưng không còn mới mẻ. Liệu, đã đến lúc khán giả cần lên tiếng?


Phim về diễn viên da màu sẽ có tập thi thố bi da

Giữa tất cả những điều kỳ lạ xảy ra trong các bộ phim sitcom, đây đáng được xem là điều kỳ lạ nhất. 

Xuất hiện lần đầu trong Family matters (Chuyện gia đình), tập phát sóng năm 1990, nhân vật Eddie Winslow đánh bại bạn mình sau cuộc đấu bi da cân não. Thừa thắng xông lên, Eddie tự tin, tự mãn tìm đến một câu lạc bộ bi da khác, rồi mất toi 250 đô la cho gã Boyd Higgins lão luyện. Urkel, tay hàng xóm ngớ ngẩn, quyết giành lại số tiền thua cuộc. Tiếc thay, dù rất giỏi ảo thuật, khoa học, cờ vua, bài bạc, Urkel lại chơi bi da thua đứa trẻ 7 tuổi. Ngay lúc dầu sôi lửa bỏng, Carl xuất hiện. Hóa ra nhà sản xuất đã giấu tiệt tài lẻ của anh, bởi ai cũng bất ngờ khi Carl vốn là tay cơ đẳng cấp thế giới. Anh cứ thục bên này, gõ bên kia, chọt bên nọ, liên tục khiến đối thủ lóa mắt. Kết tập, với số tiền thắng cuộc, các nhân vật nhận được một bài học quý giá về... làm sao để trở thành người tốt, hoặc chí ít là một tay cơ giỏi. 

Điều tương tự xảy ra với The fresh prince of bel air (Hoàng tử da màu) đúng 3 tháng sau đó. Will lái chiếc Mercedes Benz đến câu lạc bộ bi da, “quật ngã” hàng loạt người chơi, ra vẻ khinh khỉnh rồi trở nên kiêu căng đến mức đặt cược 300 đô la trong trận đấu với tay buôn Charlie Mack. Kết quả ai cũng đoán được, Will phải thế chấp luôn chiếc xe vốn là của ông chú Phill. Ngay lúc ấy, Phill ra mặt, lại bất ngờ lộ diện là một tay cơ xuất chúng. Chỉ vài lần vung gậy, Phill không chỉ giành lại tiền cược, mà còn thắng thêm 600 đô la. Tất nhiên tập phim chưa thể kết thúc khi Will chưa nhận ra bài học tuyệt vời về định nghĩa người tốt.

Cảnh trong phim "The fresh prince of bel air"

Nửa thập kỷ sau, The Steve Harvey show (Chương trình của Steve Harvey) tiếp tục bê nguyên xi câu chuyện trên vào một tập phim. Chỉ thay nhân vật thành cậu nhóc Bullethead, kẻ đánh bại Bullethead là Raven và Jody, vị cứu tinh đương nhiên là Steve Harvey, người chưa từng cho khán giả biết mình có tài chơi bida. Cần nói thêm, The Steve Harvey show đã không ít lần khai thác các tình tiết bi da. Củng cố cho sự trùng lặp lạ thường ở các tác phẩm sitcom có nhân vật chính là diễn viên da màu: gì thì gì, cứ phải thi đấu bi da. 

Nhân vật trong sitcom thích nuôi khỉ
Nuôi con gì cũng được thôi, miễn không phải rắn độc, sư tử hay báo hoa, nhưng sao nhất định nuôi khỉ, hết phim này đến phim khác?
Vũ trụ sitcom hoạt động theo quy luật riêng, trong đó, khỉ, chứ không phải chó, là thành viên trong gia đình, trong một nhóm bạn bè, thời điểm nào đó trở thành trung tâm của cuộc đời nhân vật. Kỳ lạ thay, xét đến các bảng khảo sát xã hội, khỉ không phải thú nuôi yêu thích và phổ biến. Thậm chí nuôi khỉ tại Mỹ là bất hợp pháp nếu bạn không sở hữu một vườn thú. Việc nhà sản xuất sitcom thường xuyên bê khỉ lên phim có thể được tính thành các vụ bạo hành. 

Vậy, khỉ xuất hiện trong những hoàn cảnh nào? Thỉnh thoảng trong một sở thú đúng nghĩa, đúng luật như Seinfeld, nhưng hoàn cảnh chính đáng này không thường xuyên lắm. Ở Full house (Ngôi nhà hạnh phúc), nhân vật còn cả gan tha tinh tinh về nhà. 

Để hợp thức hóa việc nuôi khỉ, vườn thú giữ một vai trò “to tát” trong tập phim. Vườn thú nằm trong khuôn viên thành phố, giải thích việc khỉ cần đưa tạm vào nhà ai đó khi hoạt động vườn thú gặp sự cố. Ừ thì miễn cưỡng chấp nhận. Nhưng điều khó hiểu là các nhân vật sitcom ngay lập tức xem chúng như thú nuôi thân thiện, cắp chúng đi khắp nơi như vật cưng, âu yếm chúng như cả hai đã thân quen từ kiếp trước. Phần nực cười nhất, cũng là cách đạo diễn “chọc cười”, là lúc khỉ chứng tỏ chúng không phải “vật cưng”. Chúng bỏ trốn, phá hoại, nhảy loạn xạ, gây huyên náo. Chúng ăn vụng, xả rác, tấn công người, làm đủ trò để chứng minh đạo luật cấm nuôi khỉ trong nhà khắt khe tại New York hết sức hợp lý.

Trong Family matters, Urkel nhận nuôi khỉ, dù theo luật bang Illinois, nhà ông phải được xếp loại thành cơ sở nghiên cứu hoặc sở thú. The big bang theory (Vụ nổ lớn) cũng có một tập về khỉ. How I met your mother (Bố gặp mẹ thế đấy) còn nâng tình tiết lên tầm kịch tính mới, khi các nhân vật không chỉ nuôi khỉ mà còn nuôi đúng một “con khỉ độc ác”. Malcolm in the middle (Malcolm lém lỉnh) có một con khỉ cầm dao cố giết hai nhân vật Craig và Hal. 

Giữa vô vàn sự trùng lặp, câu chuyện con khỉ xem ra dễ được đồng cảm. Suy cho cùng, việc một con khỉ phá rối không gây khó chịu bằng việc nhân vật mới nào đó nhảy ra làm trò, rồi biến mất không tăm hơi sau đó.


Cảnh trong phim "The big bang theory"

Những kẻ ngốc nghếch trở nên thông minh đột xuất

Sitcom nào cũng có nhân vật ngớ ngẩn. Rồi đến một thời điểm, giữa hàng trăm tập phim, nhân vật bỗng “không còn ngớ ngẩn” nữa.

Hãy nhớ lại The Simpsons (Gia đình Simpson), cả lũ phát hiện một cây bút chì màu mắc kẹt trong não của Homer suốt 30 năm. Khi cây bút được lấy ra, Homer trở thành thiên tài với trí thông minh tuyệt đỉnh, đồng thời cũng thành một tên khốn xảo trá. Mọi người ghét bỏ Homer, trừ Lisa. Tình cảm chân thành của Lisa giúp Homer tỉnh ngộ, anh muốn lại được yêu thương, lại có bạn bè. Để thực hiện điều đó, không còn cách nào khác ngoài biến Homer... ngốc nghếch như xưa. Công cụ duy nhất được sử dụng, đương nhiên lại là cây bút chì.

Tương tự trong SpongeBob SquarePants (Bọt biển quần bông). Nhà sản xuất bất ngờ hé lộ việc Patrick có một mảnh san hô găm trong não, khiến anh bị gán danh cư dân ngốc nghếch nhất thị trấn Bikini Bottom. Ban đầu Patrick rất hạnh phúc với “trí thông minh mới”, nhưng lúc nhận ra trí thông minh ấy làm bạn bè khổ sở, Patrick quyết định trả mảnh san hô về vị trí cũ.

Cảnh trong phim "Sponge Bob SquarePants"

Với Futurama (Bữa tiệc của trò chơi), đạo diễn không chỉ miêu tả câu chuyện tên ngốc và “hành trình thông minh”, mà còn đưa vào một con khỉ, giúp tập phim được đẩy lên tầm vóc mới. Nhân vật Gunther cho rằng trí thông minh mang đến quá nhiều trách nhiệm, vì thế, ông tự nguyện giảm triệt để IQ của mình.


Cảnh trong phim "Futurama"

Bài học rút ra là gì nhỉ? Mọi người không thích kẻ thông minh, nên cứ ngớ ngẩn mãi nhé. Ai dám đòi hỏi sitcom phải mới mẻ hơn, sáng tạo hơn, hấp dẫn hơn? Có lẽ như hiện nay là hay lắm rồi. Nhưng, biết đâu, sitcom sẽ hay hơn, nếu các nhà sản xuất bớt đi những tình tiết trùng lặp ngộ nghĩnh, phi lý... đi từ thập niên này đến thập niên khác. 

Bảo Nguyên