Diễn viên

Quốc Tân: Luôn hết mình vì vai diễn

Sau bao nhiêu năm làm nghệ thuật, Quốc Tân vẫn là người luôn hết mình với từng vai diễn. Nhân bộ phim Sóng ngầm lên sóng, nam diễn viên đã dành cho bạn đọc một cuộc trò chuyện cởi mở, chân thành.

Diễn viên Quốc Tân

Chào Quốc Tân! Anh có thể chia sẻ về vai diễn mới nhất của mình trong phim Sóng ngầm? Anh có gặp khó khăn gì khi đảm nhận vai diễn này không?

Trong phim Sóng ngầm của đạo diễn Nguyễn Tường Phương, tôi đảm nhận nhân vật Khải. Khải có 3 người bạn thân từ thời sinh viên. Thất lạc và tình cờ gặp lại, Khải cùng các bạn rủ nhau vượt biên. Sau một thời gian, Khải trở về quê hương, anh luôn cố gắng giúp đỡ những người bạn cũ.

Thật ra, Khải trong phim không phải là tuyến nhân vật quá khó đối với tôi. Nhưng mỗi vai diễn đều có những khác biệt về tính cách, tâm lý, hoàn cảnh… và đây cũng là thử thách mà tôi phải nỗ lực để vượt qua. 

Quốc Tân đảm nhận vai Khải trong phim Sóng ngầm

Gắn liền với tuyến nhân vật chính diện, vì vậy khán giả truyền hình ít thấy Quốc Tân qua những dạng vai đối lập. Anh có gì muốn chia sẻ về việc nhìn nhận này? 

Có lẽ, đó là mặt hạn chế của tôi ở hiện tại. Ai cũng bảo mặt tôi hiền quá, như vậy thì khó có thể để đạo diễn giao cho những vai phản diện. Nhưng thực tế lại không phải vậy, tôi cũng đã nhiều lần được giao dạng vai đối lập, chẳng hạn như: Tay quản nô tên Thân trong phim Đồng quê, Lượm trong Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Ba Sánh trong Đường Hồ Chí Minh trên biển, ông Bách trong Biệt thự sương mờ… Ở tuyến nhân vật không phải sở trường này, mặc dù chưa thật sự đột phá, nhưng ít nhiều tôi cũng bị khán giả “ghét” và khiển trách: ác gì mà ác thế. 

Là diễn viên, nếu cứ bị đóng khung vào một dạng nhân vật, theo anh có ảnh hưởng gì đến sự nghiệp hay không?

Đã là một diễn viên chuyên nghiệp, ai cũng muốn mình có cơ hội thể hiện nhiều loại vai, với nhiều tính cách khác nhau. Nhưng phần lớn nghệ sĩ thường chuyên trị một loại vai nào đó, vì ngoài khả năng diễn xuất còn phụ thuộc vào yếu tố ngoại hình, gương mặt cùng các kỹ năng khác để hợp với những loại vai tương xứng như: chính diện, phản diện, hài, lão… Và quan điểm của tôi là: thà mình diễn những vai đóng khung mà diễn thật hay, thật giỏi, vẫn tốt hơn đảm nhận nhiều loại vai khác nhau mà diễn không đạt, không được nhớ tới. 

Quốc Tân (phải) trong phim Con đường hoàn lương

Nếu bị đóng khung nhân vật, anh phải làm gì để mình không bị trùng màu khiến khán giả nhàm chán?

Trong những trường hợp như vậy, việc đầu tiên là tôi đọc đi đọc lại kịch bản để tìm ra những khác biệt của nhân vật mà mình sắp đảm nhiệm, so sánh với những nhân vật đã thể hiện trước đây. Từ đó, tôi mới xây dựng tính cách, tạo ra màu sắc cho nhân vật để tìm cách diễn riêng, từ cử chỉ, hành động, câu thoại sao cho vừa phù hợp với kịch bản.

Thường thì ở mỗi bộ phim, tuyến nhân vật chính sẽ được chú ý nhiều hơn tuyến nhân vật thứ chính. Anh có bao giờ nghĩ, vì thực tế đó mà vị trí của người nghệ sĩ trong việc nhìn nhận của khán giả có sự khác biệt? 

Trước đây thì có, khán giả thường quan tâm, chú ý đến tuyến nhân vật chính nhiều hơn là tuyến nhân vật thứ chính. Nhưng giờ đây, khán giả đã nhận ra rằng: chỉ một vài diễn viên chính không thể tạo nên sự thành công cho một bộ phim, mà đó là cả một tập thể gắn kết với nhau, hỗ trợ cho nhau. Nhờ vậy, khán giả đã công bằng hơn và không có sự nhìn nhận khác biệt nào nếu như nghệ sĩ diễn thật giỏi, thật ấn tượng, cho dù đó chỉ là vai diễn nhỏ, thì họ vẫn yêu thích, cổ vũ mạnh mẽ. 

Quốc Tân (ngoài cùng bên phải) cùng các diễn viên trong phim Phiêu bạt giữa cuộc đời

Được đào tạo qua trường lớp về diễn xuất, rồi qua cọ xát trên phim trường, anh có thể cho biết có sự khác biệt nào giữa một diễn viên chuyên nghiệp và một diễn viên tay ngang? 

Được đào tạo bài bản thì bản thân người diễn viên đã được học về diễn xuất, hình thể, tiếng nói sân khấu... cùng một số môn học hỗ trợ và các kỹ năng khác. Nhờ vậy, khi tiếp cận với kịch bản, nhân vật mình đảm nhận, diễn viên chuyên nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc phân tích để tạo lý lịch, cũng như định hình cho phù hợp với vai diễn của mình. Còn diễn viên tay ngang, đa phần họ diễn theo bản năng, thiếu những kỹ năng trong diễn xuất và cũng gặp không ít khó khăn khi phân tích, nắm bắt tâm lý nhân vật. Nhưng bù lại, diễn viên không chuyên (có năng khiếu bẩm sinh) họ thường diễn rất thật, mộc mạc và điều này rất cần trong phim ảnh. 

Cảm ơn anh về những chia sẻ cởi mở, chân thành!

Duy Anh